Bảo vệ môi trường
Mục tiêu phát triển bền vững 13. Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu – Nỗ lực vì mục tiêu chung
Mục tiêu phát triển bền vững 13 của Liên Hợp Quốc đặt ra những cam kết quan trọng để ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai. Nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của nó đến với đời sống và môi trường. Vậy mục tiêu phát triển bền vững số 13 là gì? Làm thế nào để chống lại những ảnh hưởng tiêu cực của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu? Hãy cùng mình tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Mục tiêu phát triển bền vững số 13 là gì?
Con người đang phải nhận lại hậu quả từ những hành vi tổn thương do chính mình gây ra cho môi trường tự nhiên. Một hành động nhỏ thường ngày của bạn (vứt rác ở mọi nơi, sử dụng ly nhựa một lần và túi nilon mỗi ngày) đã góp phần khiến Trái Đất ngày hôm nay hứng chịu nhiều thảm họa đau thương và nghiêm trọng. Biến đổi khí hậu sẽ càng nguy hại, thiên tai sẽ xuất hiện ngày càng nhiều và sự sống của thế hệ con cháu chúng ta sẽ giảm dần nếu như con người không lên tiếng và chung tay bảo vệ ngay bây giờ.
Để giải quyết thách thức toàn cầu về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, thiên tai. Liên Hợp Quốc đặt ra Mục tiêu phát triển bền vững số 13 là kêu gọi các quốc gia cùng hành động ứng phó kịp thời với biến đổi về khí hậu, nhiệt độ và những hiện tượng thời tiết của môi trường, chống lại các rủi ro thiên tai và thảm họa thiên nhiên. Không chỉ là các Quốc gia trên thế giới, mà ngay cả chính mỗi cá nhân cũng có thể giúp mang lại lợi ích cuộc sống an lành, mạnh khỏe cho con người và toàn cầu. Bằng những hành động như sinh hoạt thân thiện với môi trường; tái sử dụng, sửa chữa và tái chế các vật phẩm; thay đổi nguồn năng lượng sạch cho ngôi nhà của bạn; hãy ăn rau nhiều hơn và giảm vứt bỏ thức ăn… Một thay đổi nhỏ mỗi ngày của bạn sẽ là nguồn sức mạnh to lớn giúp chúng ta sớm đạt được mục tiêu chung SDG 13.
Việt Nam đang trong quá trình đấu tranh mối đe dọa của biến đổi khí hậu
Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nằm trong top 10 quốc gia ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất thế giới. Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký kết ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 13, chống lại biến đổi khí hậu và tác động của nó. Gồm 3 mục tiêu:
- Tăng cường khả năng phục hồi và thích ứng với các hiểm họa, thiên tai ảnh hưởng đến khí hậu môi trường.
- Lồng ghép các biện pháp chống đổi khí hậu vào chính sách, chiến lược và quy hoạch quốc gia.
- Cải thiện giáo dục, nâng cao nhận thức và năng lực, thể chế trong cảnh báo sớm biến đổi khí hậu, giảm rủi ro thiên tai.
Việt Nam đã từng bước xây dựng và hành động phù hợp với mục tiêu SDG 13: Ban hành các quy định về phòng ngừa, ứng phó, giảm nhẹ hậu quả thiên tai; Hạn chế nạn phá rừng và xây dựng hệ thống phòng chống cháy rừng; Hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong ngành năng lượng, khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo…
Khí hậu cần bạn lên tiếng và hành động
Lên tiếng bằng chính lời nói của bạn và hành động ngay để cứu lấy sự sống:
- Hãy nói không với nhựa sử dụng một lần và giảm thải rác nhựa.
- Ngăn chặn việc xả rác bừa bãi hãy tạo nên môi trường xanh, sạch, đẹp.
- Đem những cơ hội sống tới những món đồ tái sử dụng được và sử dụng những món đồ thân thiện với môi trường.
- Phân loại rác hữu cơ và vô cơ, sử dụng rác hữu cơ làm dinh dưỡng cho các cây trồng.
- Đạp xe đạp, đi bộ trên quãng đường ngắn thay cho những chiếc xe gắn máy, sẽ giảm được lượng khí thải và ô nhiễm.
- Hãy ăn chay ít nhất một ngày trong tuần, giảm ăn thịt.
- Trồng rau vừa bảo vệ môi trường vừa mang lại nguồn thực phẩm sạch cho gia đình.
- Tuyên truyền nâng cao ý thức con người về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.
Xem thêm: OU đạt Top 101 – 200 thế giới hành động vì khí hậu và tiếp tục nỗ lực trong tương lai
Trong suốt khoảng thời gian qua CLB OU Green Plus trực thuộc Trường Đại Học Mở TP.HCM đã thực hiện được rất nhiều những hoạt động ý nghĩa như thu gom rác – bảo vệ môi trường biển, trồng cây gây rừng – cải tạo mảng xanh, roadshow xe đạp và còn hàng ngàn những hoạt động khác.
“Môi trường là nơi chúng ta gặp nhau, là nơi đem lại lợi ích cho mọi người, là điều mà tất cả chúng ta đều chia sẻ” (Lady Bird Johnson).
Môi trường cho chúng ta sự sống, vậy tại sao chúng ta lại không cho môi trường sống. Để ngăn chặn lại biến đổi biến khí hậu trong tương lai và sự ô nhiễm toàn cầu. Hãy thực hiện đúng với trách nhiệm của mình và bảo vệ Trái Đất nơi mà chính chúng ta đang sống.
Gia Huy