Khoa Ngoại Ngữ
Hội thảo Quốc tế OpenTESOL 2025: Tôn Vinh Diễn Ngôn Đa Nguyên trong Giáo Dục Ngôn Ngữ
Sáng ngày 24/5/2025, tại Hội trường 602, cơ sở 97 Võ Văn Tần, Quận 3, Trường Đại học Mở TP.HCM tổ chức Lễ khai mạc Hội thảo Quốc tế về giảng dạy ngoại ngữ OpenTESOL lần thứ 13 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. OpenTESOL 2025 diễn ra trong hai ngày, từ ngày 23/5 đến 24/5/2025, thu hút hơn 160 bài báo cáo và hơn 500 diễn giả, người tham dự là nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ nghiên cứu, giảng viên, học viên cao học, sinh viên chuyên ngành Sư phạm Anh, Ngôn ngữ học Ứng dụng, Ngôn ngữ Trung Quốc và Ngôn ngữ Nhật từ hơn 150 cơ sở giáo dục, đào tạo đến từ các quốc gia trên toàn thế giới, cùng khám phá chủ đề: “Tôn vinh diễn ngôn đa nguyên trong hành trình phát triển và tự chủ của giáo dục ngôn ngữ”.

Toàn cảnh chương trình
OpenTESOL: Diễn đàn học thuật uy tín và sứ mệnh nâng tầm giáo dục ngôn ngữ trong kỷ nguyên mới.
Hội thảo Quốc tế OpenTESOL là sự kiện giáo dục thường niên uy tín, do Khoa Ngoại ngữ và Khoa Đào tạo Sau Đại học Trường Đại học Mở TP.HCM phối hợp tổ chức. Hội thảo nhằm phục vụ cộng đồng giảng dạy ngoại ngữ, tăng cường giao lưu, kết nối, và phát triển chuyên môn cho giảng viên, giáo viên, nghiên cứu sinh, quản lý chuyên môn và chuyên gia trên khắp Việt Nam, châu Á và thế giới. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, và tạo diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật xu thế ngành, đồng thời thúc đẩy tiềm năng nghiên cứu và giúp học viên ứng dụng kiến thức vào thực tế.
Với chủ đề “Tôn vinh diễn ngôn đa nguyên trong hành trình phát triển và tự chủ của giáo dục ngôn ngữ”, mục tiêu của chương trình nhằm giải quyết những thách thức và nắm bắt các cơ hội trong bối cảnh giáo dục ngôn ngữ hiện đại. Trong đó, các nghiên cứu sẽ tập trung vào vai trò then chốt của việc phát triển tính chủ động (Agency) ở người học ngoại ngữ – yếu tố quyết định giúp người học trở thành những cá nhân học tập tích cực, tự chủ và đạt hiệu quả cao, nuôi dưỡng kỹ năng tự học suốt đời. Bên cạnh đó, còn đề xuất những giải pháp thiết thực cho lớp học đa văn hóa trong kỷ nguyên hội nhập, chú trọng đến sự đa dạng trong nền tảng văn hóa và ngôn ngữ của người học. Đồng thời, hội thảo cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến các khía cạnh sâu sắc của đội ngũ giáo viên, bao gồm niềm tin, giá trị, mục tiêu nghề nghiệp, kinh nghiệm cá nhân, vai trò xã hội và sự phát triển chuyên môn liên tục.
Lễ khai mạc Hội thảo Quốc tế về giảng dạy ngoại ngữ OpenTESOL lần thứ 13
Tham dự Lễ khai mạc Hội thảo có: GS.TS. Nguyễn Minh Hà – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP.HCM, TS.GVCC. Nguyễn Thuý Nga – Trưởng khoa Ngoại ngữ, cùng các diễn giả, người tham dự và quý Thầy, Cô
Phát biểu khai mạc chương trình, GS.TS. Nguyễn Minh Hà – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP.HCM, bày tỏ niềm vui mừng, chào đón các diễn giả và người tham dự từ khắp nơi trên thế giới trực tiếp và trực tuyến. Đồng thời nhấn mạnh, Hội thảo Quốc tế OpenTESOL nhằm thể hiện cam kết chung trong việc thúc đẩy giáo dục ngôn ngữ, cùng nhau xây dựng một cộng đồng toàn cầu vững mạnh, đoàn kết bởi niềm tin vào sức mạnh biến đổi của việc học ngôn ngữ để vun đắp sự kết nối, cơ hội và những thay đổi có sức ảnh hưởng đến sự phát triển giáo dục.
GS.TS. Nguyễn Minh Hà cũng khẳng định: Từ năm 2012, chuỗi Hội thảo Quốc tế OpenTESOL đã thể hiện sứ mệnh của Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đó là cung cấp giáo dục chất lượng cao, dễ tiếp cận thông qua các chương trình học trực tiếp, trực tuyến, đào tạo từ xa và vừa làm vừa học, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của xã hội và đóng góp vào sự phát triển quốc gia và toàn cầu.
Bên cạnh đó, GS.TS. Nguyễn Minh Hà cho biết chủ đề “Tôn vinh diễn ngôn đa nguyên trong hành trình phát triển và tự chủ của giáo dục ngôn ngữ“, tạo điều kiện để suy ngẫm về những giá trị của các quan điểm đa dạng trong giảng dạy và nghiên cứu, cũng như tầm quan trọng của việc trao quyền làm chủ hành trình giáo dục cho người học. Và khẳng định sự cống hiến cho sự phát triển suốt đời – với tư cách là những nhà giáo và những cá nhân cam kết hướng tới sự xuất sắc và công bằng trong lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ.

GS.TS. Nguyễn Minh Hà – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP.HCM tham dự qua hình thức trực tuyến
Chia sẻ tại chương trình, TS. GVCC. Nguyễn Thuý Nga – Trưởng khoa Ngoại ngữ bày tỏ sự tự hào về số lượng và chất lượng các nghiên cứu năm nay đã tăng lên đáng kể, minh chứng cho sự sôi nổi của cộng đồng TESOL và khẳng định vị thế của OpenTESOL là một diễn đàn học thuật uy tín. Qua đó, hy vọng hội thảo sẽ là nơi truyền cảm hứng cũng như tạo nơi kết nối với các học giả, diễn giả từ các nước trên thế giới, mở ra môi trường học tập toàn cầu.
Góc nhìn chuyên sâu từ học giả hàng đầu
Trong khuôn khổ Hội thảo, bên cạnh hơn 160 bài báo cáo tham luận từ các nhà nghiên cứu, giảng viên quốc tế, giảng viên, giáo viên và nghiên cứu sinh trong và ngoài nước, 06 phiên báo cáo chính đã được trình bày trực tiếp bởi các diễn giả là học giả uy tín hàng đầu trong lĩnh vực Phương pháp lý luận và Giảng dạy tiếng Anh (TESOL). Các phiên này đã mang đến những góc nhìn chuyên sâu và giá trị thực tiễn cao:
- Giáo sư Tammy Gregersen – Giám đốc Chương trình Intensive English, Đại học bang Tennessee, Mỹ – đã trình bày về chủ đề “Nuôi dưỡng hạnh phúc nghề nghiệp từ việc làm chủ cuộc sống cá nhân và công việc”. Bài nói của Giáo sư Gregersen tập trung vào việc cân bằng giữa đời sống cá nhân và sự nghiệp, yếu tố then chốt để các nhà giáo dục có thể duy trì niềm đam mê và hiệu suất cao trong công việc.
- Tiến sĩ Raqib Chowdhury – Giảng viên trường Đại học Monash, Úc – với báo cáo “Đổi mới giảng dạy tiếng Anh: Hướng tới một mô hình ELT tôn trọng và đề cao bản sắc văn hóa tại Việt Nam”. Tiến sĩ Chowdhury đã đưa ra những ý tưởng đột phá về cách lồng ghép yếu tố văn hóa bản địa vào giảng dạy tiếng Anh, giúp người học phát triển ngôn ngữ mà vẫn giữ gìn được bản sắc.
- Phó Giáo sư Supakorn Phoocharoensil – Giám đốc Viện Ngôn ngữ, Đại học Thammasat (Thái Lan) – đã chia sẻ về “Trao quyền cho các nhà nghiên cứu TESOL: Xu hướng mới và bí quyết đăng bài thành công trên tạp chí Scopus”. Bài trình bày này cung cấp những lời khuyên hữu ích và chiến lược cụ thể giúp các nhà nghiên cứu nâng cao năng lực công bố khoa học.
- Ông Matt Blacker – Chuyên viên Tư vấn Hỗ trợ Khách hàng Khu vực Châu Á, Nhà xuất bản Đại học Oxford – thảo luận về “Xây dựng quyền tự chủ và sự tự tin cho sinh viên nhờ phản hồi hiệu quả”. Ông Blacker đã làm rõ vai trò của phản hồi mang tính xây dựng trong việc thúc đẩy sự độc lập và niềm tin vào khả năng của người học.
- Tiến sĩ Glenn Low – Đồng sáng lập & Giám đốc điều hành Heyhi.sg – với báo cáo “Đánh giá và học tập cá nhân hóa trong kỷ nguyên AI”. Tiến sĩ Low đã khám phá cách trí tuệ nhân tạo có thể được ứng dụng để tạo ra các phương pháp đánh giá và học tập phù hợp với từng cá nhân, mở ra một kỷ nguyên mới cho giáo dục ngôn ngữ.
- Ông Andy Duenas – Chuyên gia đào tạo giáo viên thuộc National Geographic Learning, Việt Nam – đã trình bày về “Năng lực đọc viết đa dạng và quyền tự quyết của học sinh: mở rộng các loại đầu vào và cơ hội sáng tạo”. Bài nói của ông Duenas khuyến khích việc đa dạng hóa tài liệu và phương pháp giảng dạy để phát triển kỹ năng đọc viết toàn diện và trao quyền cho học sinh trong quá trình học tập.
Thông qua Hội thảo OpenTESOL 2025, người tham dự đã có cơ hội không chỉ tiếp cận những nghiên cứu và ý tưởng tiên tiến nhất mà còn được kết nối trong một môi trường học thuật mở và năng động. Đây là dịp để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên, giáo viên, và sinh viên giao lưu, học hỏi lẫn nhau, xây dựng các mối quan hệ hợp tác mới và củng cố mạng lưới chuyên môn, thúc đẩy sự phát triển bền vững của giáo dục ngôn ngữ, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu.
Trong kỷ nguyên mới, khi công nghệ và toàn cầu hóa định hình lại cách chúng ta học hỏi và tương tác, chủ đề “Tôn vinh diễn ngôn đa nguyên trong hành trình phát triển và tự chủ của giáo dục ngôn ngữ” của OpenTESOL 2025 càng trở nên cấp thiết. Qua đó, thúc đẩy sự đa dạng trong phương pháp giảng dạy, nghiên cứu và cách học, khuyến khích sự tự chủ của người học và sự nhạy bén văn hóa trong các lớp học ngoại ngữ.
OpenTESOL 2025 đã khép lại thành công rực rỡ, để lại dấu ấn về một diễn đàn tri thức chất lượng cao, nơi những ý tưởng mới được ươm mầm và những cam kết chung vì sự phát triển của giáo dục ngôn ngữ được củng cố trong bối cảnh kỷ nguyên số.

Người tham dự chụp ảnh lưu niệm tại chương trình
Một số diễn giả trình bày tại chương trình:
Bài viết: Thảo Anh
Hình ảnh: Quốc Anh, Minh Khánh