Khoa XHH-CTXH-ĐNA
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm việc làm
Nằm trong chuỗi hoạt động của Ngày hội Nghề nghiệp 2017, ngày 08.8.2017 vừa qua, Khoa Xã Hội Học – Công tác Xã hội – Đông Nam Á đã tổ chức buổi tọa đàm mang tên: “Cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp chuyên ngành xã hội nhân văn”
Diễn giả tham gia chương trình là Thầy Nguyễn Hiệp Trí – Phòng Bình Đẳng giới – Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cùng các bạn sinh viên đang theo học chuyên ngành Xã hội học của khoa.
Thầy Trí mở đầu chương trình bằng một con số gây sốc: 90% sinh viên sau khi học xong ngành xã hội học cảm thấy hối hận vì quyết định của mình. Điều này được thầy nhìn nhận và phân tích dưới nhiều góc độ: mức lương, lựa chọn công việc, môi trường làm việc,… Mở đầu này khiến rất nhiều bạn sinh viên đang ngồi trong hội trường cảm thấy hoang mang. Nhưng sau đó, thầy đã đưa ra rất nhiều những phân tích khác liên quan đến việc, các bạn đó đã thực sự khai thác đúng thế mạnh ngành học của mình hay chưa? Đã thực sự hiểu cái ngành mình đang theo đuổi là gì hay chưa? Đã chọn đúng môi trường để bản thân có thể phát triển hay chưa? Và những minh chứng thầy đưa ra ngay sau đó đã chứng minh rằng, rất nhiều người đã sai lầm. Môi trường làm việc, mức lương, hay công việc mà một sinh viên học ngành xã hội sau khi tốt nghiệp có thể tìm được là không giới hạn. Cái chính ở đây, là các bạn phải cố gắng và nỗ lực như thế nào, suy nghĩ và cách làm việc ra sao.
Thầy chia sẻ, mình đã từng công tác tại rất nhiều những nơi khác nhau, từ các trại giam, trại cai nghiện, trung tâm bảo trợ người khuyết tật,… những nơi mà rất nhiều người dè chừng khi nghĩ đến. Nhưng chính những nơi đó mới chính là những nơi mà cho bạn nhiều trải nghiệm và kĩ năng nhất và nó hoàn toàn không hề “đáng sợ”. Là một người học xã hội học, đặc biệt là xã hội nhân văn, cần phải có cái nhìn tích cực với xã hội, chỉ có điều đó mới có thể giúp các bạn thành công và tiến xa hơn trong công việc.
Thông qua buổi chia sẻ, nhiều bạn sinh viên hẳn đã tìm ra được những định hướng cơ bản để phát triển bản thân mình. Ngoài đảm bảo được kiến thức cơ bản còn có từ ghế giảng đường, các bạn phải không ngừng trau dồi, nâng cao các kĩ năng của bản thân thông qua các hoạt động phong trào, các chương trình tình nguyện,… để sau khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên ngành xã hội học như các bạn vừa có đầy đủ kiến thức, kĩ năng, sẵn sàng nắm bắt mọi cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.
Tú Uyên