Khoa Đào tạo Sau Đại học
Báo cáo chuyên đề: “Tính phản tư trong xã hội học “
Chiều ngày 23/2/2019, Khoa đào tạo Sau đại học và Hội đồng chuyên môn cao học Xã hội học Trường Đại học Mở Tp.Hồ Chí Minh (OU) đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề với chủ đề ” Tính phản tư trong xã hội học ” tại cơ sở 97 Võ Văn Tần. Diễn giả là Thầy Phạm Như Hồ, Thạc sĩ xã hội học, Đại học Sorbonne-Pháp. Đến tham dự buổi chuyên đề có các giảng viên, học viên cao học, sinh viên chuyên ngành Xã hội học.
Tại chuyên đề, diễn giả đã trình bày về một số nội dung chính yếu của tính phản tư trong Xã hội học (XHH). Tính phản tư được nhà XHH vận dụng theo 3 góc độ chính : họ đi ngược lại những gì đã làm để xem xét, bổ sung và điều chỉnh và đưa ra những lập luận đối lập, hoặc đưa ra một lăng kính mới để phân tích vấn đề. Diễn giả trình bày quan điểm về tính phản tư trong các lý thuyết của ba nhà XHH (Alain Touraine, P. Bourdieu, Antony Giddens). Đối với Touraine, xã hội là hành động. Trong xã hội thì có những thành phần xã hội đối chất những quan điểm, giá trị khác biệt của họ nhằm có được thế lực và địa vị. Trong lý thuyết của Touraine, sự can thiệp xã hội học là sự can thiệp, sự tác động qua lại giữa các nhà xã hội học và một số nhóm xã hội vừa để giúp các nhóm này ý thức về những quyền lợi của mình để xây dựng một chiến lược và vừa giúp nhà xã hội học xây dựng kiến thức xã hội học của mình. Theo Bourdieu, kiến thức lý thuyết về kiến thức thực tiễn và tính phản tư bằng nguyên lý phương pháp luận của xã hội học (khách quan hóa tham dự, khái quát và trừu tượng hóa những tri thức thực tiễn thành các lập luận mang tính lý thuyết). Anthony Giddens đi vào tính hiện đại phản tư : tiến trình cá nhân hóa của xã hội hiện đại dẫn đến sự tái cấu trúc hóa xã hộ, tiến trình sản xuất ra những kiến thức (chịu sự tác động của những lý thuyết, phương pháp xã hội học) để tìm hiểu về bản thân, để tự định vị trong đời sống xã hội và trong sự nghiệp tạo ra một sự bất ổn trong quan hệ giữa nhà xã hội học và đối tượng của mình (vốn là một).
Qua buổi chuyên đề, các học viên, sinh viên ngành Xã hội học đã có cơ hội được hiểu chuyên sâu và biết về tính phản tư trong XHH, có cơ hội được trao đổi các vấn đề có liên quan đến tính phản tư (phương pháp nghiên cứu, tính khách quan và chủ quan trong nghiên cứu, các ví dụ cụ thể khác về tính phản tư). Từ đó, sinh viên nắm được các bài học về lý thuyết để áp dụng vào nghiên cứu các vấn đề xã hội dưới nhãn quan khoa học xã hội.
Khoa Đào tạo Sau Đại học