Khoa Đào tạo Sau Đại học
Báo cáo chuyên đề: Tình hình thực tế kinh tế – xã hội của Tỉnh Tiền Giang và Đồng Bằng Sông Cửu Long
Ngày 09/12/2018, tại Hội trường 601 cơ sở Võ Văn Tần, Khoa Đào tạo Sau Đại học Trường Đại học Mở Tp.Hồ Chí Minh (OU) đã tổ chức báo cáo chuyên đề: Tình hình thực tế kinh tế xã hội của Tỉnh Tiền Giang và Đồng Bằng Sông Cửu Long dành cho các học viên cao học, sinh viên đại học ngành Kinh tế. Báo cáo viên là TS. Lê Văn Hưởng – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang.
Nội dung báo cáo của chuyên đề gồm 5 phần chính là kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020, tổ chức triển khai thực hiện, kết quả đạt được, kinh nghiệm điều hành và cuối cùng là phương hướng thời gian tới. Ông Lê Văn Hưởng cho rằng phát triển kinh tế – xã hội là vô cùng cấp thiết hiện nay vì có thể xác định được tầm nhìn, định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, qua đó có nhiều mục tiêu phát triển khác nhau, khả năng cân đối ngân sách với việc thực thi các chính sách. Bên cạnh đó còn thiết lập được mối quan hệ giữa khu vực tư nhân với khu vực công, mối liên kết với người dân và cộng đồng, tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình và có thể theo dõi, đánh giá được kế hoạch. Muốn phát triển bền vững, Việt Nam phải tập trung vào 3 nhóm chính là kinh tế, xã hội, tư duy nhìn nhận tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và sự cần thiết phải giải quyết những bất ổn trong xã hội. Sau khi phân tích vấn đề, các bước tổ chức triển khai cần chặt chẽ thực hiện đầy đủ các quy trình: xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức triển khai, giám sát và sơ kết, tổng kết. Thông qua đó rút ra được các kinh nghiệm thực tiễn trong nhận thức và hành động từ tỉnh đến cơ sở, quyết tâm cao một cách thực tế, cụ thể, xác định lộ trình cụ thể để đạt được mục tiêu đề ra: Theo thời gian, công việc ưu tiên, nhân tố nào tạo tác động, lan tỏa và thực hiện đúng quy trình: Nắm chắc thực trạng; Đề ra mục tiêu cụ thể; Giải pháp khả thi; Đảm bảo nguồn lực thực hiện; Giám sát, kiểm tra, sơ kết – tổng kết. Cuối cùng là các địa phương cần tận dụng tối đa 3 nguồn lực thực tiễn là nguồn nhân lực, đất đai và nguồn vốn.
Qua các số liệu và bài học thực tiễn từ địa phương được báo cáo trong chuyện đề chính là cơ hội cho các bạn học viên, sinh viên Trường Đại học Mở Tp.Hồ Chí Minh (OU) được áp dụng các kiến thức lý thuyết đã được học và có góc nhìn rộng hơn về vấn đề phát triển kinh tế – xã hội đất nước hiện nay.
Na Nguyễn