Tin Tức
Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh đồng hành tổ chức toạ đàm “Lỗ hổng thông tin và giải pháp đảm bảo an ninh trong trường học”
“Tại sao các đối tượng lừa đảo lại chọn phương thức tàn nhẫn như vậy?”. Hàng loạt phụ huynh nhận được cuộc gọi của người tự xưng là giáo viên thông báo con em họ bị tai nạn đang nhập viện, đồng thời yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để đóng viện phí. Không ít phụ huynh đã mắc bẫy và hiện tại cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra.
Sáng ngày 17/03/2023, tại Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM), Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh đồng hành cùng báo Tiền Phong tổ chức tọa đàm “Lỗ hổng thông tin và giải pháp đảm bảo an ninh trong trường học”. Chương trình nhằm nhận diện những dấu hiệu lừa đảo, đồng thời đưa ra những giải pháp ngăn chặn, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong học đường, với sự tham dự của các chuyên gia và đông đảo học sinh.
Đại diện nhà trường tham gia chia sẻ tại toạ đàm có TS. Nguyễn Hữu Long – Giảng viên khoa Xã hội học – Công tác hội – Đông Nam Á – thành viên ban chuyên gia văn phòng Tham vấn tâm lí, ThS. Đào Nguyên Phương Thảo – Giảng viên khoa Luật. Cùng các chuyên gia, nhà quản lí giáo dục, luật sư hàng đầu cả nước.

TS. Nguyễn Hữu Long (thứ hai từ trái sang) nhận Thư cảm ơn từ BTC

ThS. Đào Nguyên Phương Thảo (áo đỏ) nhận Thư cảm ơn từ BTC
Chia sẻ tại tọa đàm, Đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh – Phó bí thư Đoàn thanh niên Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM cho biết, sau dịch COVID-19, tội phạm lừa đảo về công nghệ cao nhiều hơn. Mỗi ngày, Phòng cảnh sát hình sự tiếp nhận khoảng 20 – 30 đơn tố cáo, phản ảnh các vụ việc lừa đảo. Tuy nhiên, nóng nhất gần đây là hình thức lừa đảo dùng điện thoại để gọi cho phụ huynh thông tin con em bị tai nạn nhập viện để lừa đảo lấy tiền. Đáng nói, các đối tượng lừa đảo lấy danh học sinh, người thân, mượn danh cơ quan nhà nước, thậm chí giả danh cơ quan chức năng, giả danh giáo viên, bác sĩ… để thực hiện hành vi lừa đảo.
Trả lời cho câu hỏi, “Tại sao các đối tượng lừa đảo lại chọn phương thức tàn nhẫn như vậy?”. TS Nguyễn Hữu Long – Giảng viên Tâm lí học Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh đã giải đáp “Các đối tượng lừa đảo này rất tinh vi, chuẩn bị kỹ càng khi lựa chọn phương thức hành động và để thành công thường căn cứ vào các điều kiện: Xây dựng câu chuyện có ý nghĩa, logic làm cho nhận thức, hành vi của người bị hại thay đổi; Đánh vào nhu cầu quan tâm, tình cảm của người bị hại đặc biệt là các vấn đề về sức khoẻ, an toàn,.. Tận dụng yếu tố thời gian, ngữ cảnh làm cho người bị hại căng thảng, mất kiểm soát…”.
“Tâm lý học là ngành khoa học nghiên cứu tinh thần, hành vi, tư tưởng con người. Cụ thể, nghiên cứu việc xử lý thông tin cũng như biểu hiện hành vi của con người (cảm xúc, ý chí, suy nghĩ, hành động); làm rõ những bản chất thật sự bên trong của con người bằng cách đi sâu vào từng ngõ ngách đời sống xoay quanh chủ thể con người từ văn hóa, y học, giáo dục, đến kinh tế, chính trị…” – TS Nguyễn Hữu Long chia sẻ thêm về ngành học mới của nhà trường.

TS Nguyễn Hữu Long – Giảng viên ngành Tâm lí học, Trường ĐH Mở TpHCM phát biểu tại toạ đàm
Về phương diện pháp luật ThS. Đào Nguyên Phương Thảo – Giảng viên khoa Luật Trưởng Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh cho biết “Người mạo danh giáo viên gọi điện cho phụ huynh để thông báo học sinh bị tai nạn nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch để chiếm đoạt tài sản sẽ bị cải tạo không giam giữ từ 3 tháng đến 20 năm hoặc chung thân. Về nguồn lộ thông tin, nếu một người lấy thông tin của người khác đem bán thương mại thì bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, nếu người đó cấu kết ngay từ đầu, muốn sử dụng thông tin đó để lừa đảo thì người đó sẽ bị xem là đồng phạm với đối tượng lừa đảo”.

ThS. Đào Nguyên Phương Thảo – Giảng viên khoa Luật phát biểu tại toạ đàm
Buổi toạ đàm mang tính thời sự cao với vấn đề “bức xúc” trong xã hội. Xét trên nhiều góc độ từ các cơ quan quản lí, trường học, bệnh viện về mặt pháp luật và tâm lí và bao gồm phụ huynh, học sinh cùng tìm ra nguyên nhân, thủ đoạn, điều kiện hành vi tội phạm. Từ đó, có những biện pháp, ngăn ngừa phù hợp cho từng đối tượng.

Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TPHCM – Ông Đặng Mạnh Trung chia sẻ
Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TPHCM Đặng Mạnh Trung nhấn mạnh cần liên tục cảnh báo hình thức lừa đảo này, để cung cấp thông tin đến người dân giúp người dân ý thức được hậu quả khi bị tội phạm công nghệ tấn công. Để ngăn chặn mưu đồ của tội phạm công nghệ cao, cơ quan chức năng đặc biệt là cơ quan công an cần có giải pháp kịp thời để xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Bản thân những người dễ bị tấn công, lợi dụng cần phải tăng cường phòng vệ để tăng sức đề kháng của mình, góp phần ngăn chặn tội phạm. Mỗi công dân cũng phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý thông tin vi phạm./.
Một số hình ảnh tại buổi toạ đàm:
Bài: Thảo Anh
Ảnh: Quốc Linh