Tin Tức
Trường Đại học Mở TP.HCM tổ chức Hội thảo quốc tế Công nghệ Sinh học lần thứ 3, năm 2025 với chủ đề: “Nghiên cứu và ứng dụng trong Công nghệ Sinh học”
Sáng ngày 08/5/2025, tại Hội trường 602, cơ sở 97 Võ Văn Tần, Trường Đại học Mở TP.HCM tổ chức Hội thảo quốc tế Công nghệ Sinh học lần thứ 3, năm 2025 với chủ đề: “Nghiên cứu và ứng dụng trong Công nghệ Sinh học”. Chương trình nhằm tạo diễn đàn học thuật cho các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên và sinh viên đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như các kết quả nghiên cứu, từ đó thúc đẩy hợp tác liên ngành và ứng dụng đổi mới sáng tạo phục vụ cộng đồng.

Quang cảnh hội thảo
Chương trình vinh dự đón tiếp, về phía Trường Đại học Mở TP.HCM có GS.TS. Nguyễn Minh Hà – Hiệu trưởng Trường; PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bảo Châu – Trưởng khoa Công nghệ Sinh học; Cùng với sự tham gia sôi nổi của gần 200 diễn giả, chuyên gia, giảng viên và người học đến từ nhiều cơ sở uy tín trong nước và quốc tế Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS. Nguyễn Minh Hà – Hiệu trưởng Trường cho biết việc phát triển công nghệ sinh học không chỉ là chiến lược khoa học mà còn là mục tiêu kinh tế – xã hội quan trọng. Tại Việt Nam, thời gian qua, những ứng dụng công nghệ sinh học không chỉ mang lại lợi ích kinh tế to lớn mà còn mang lại giá trị nhân văn sâu sắc trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe con người, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển nền kinh tế bền vững, mang lại lợi ích cho cộng đồng, văn hóa và xã hội toàn cầu.
“Với sự tham gia của các nhà khoa học đến từ các quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và nhiều trường đại học, doanh nghiệp trong nước, hội thảo không chỉ là dịp để chia sẻ tri thức mà còn mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ sinh học”, GS.TS. Nguyễn Minh Hà kỳ vọng.

GS.TS. Nguyễn Minh Hà – Hiệu trưởng Trường phát biểu
Trong tổng số 106 bài tham luận được tuyển chọn đưa vào kỷ yếu hội thảo, có 35 nghiên cứu được trình bày dưới hình thức báo cáo hội trường (oral), 65 nghiên cứu được trình bày dưới hình thức báo cáo treo (poster), và 06 báo cáo tham luận chuyên sâu được các diễn giả khách mời trình bày tại hội thảo, trong ba lĩnh vực chính: Công nghệ Sinh học nông nghiệp và môi trường; Công nghệ Sinh học y dược; và Công nghệ Sinh học thực phẩm.

Đem đến góc nhìn mới mẻ về chất béo chức năng, GS.TS. Chin Ping Tan, Đại học Putra Malaysia giới thiệu trong tham luận “Quá trình tạo thành Diacylglycerol bằng enzyme và ứng dụng chức năng” về tiềm năng của DAG trong hỗ trợ sức khỏe. Nhờ được tạo thành qua quy trình enzyme an toàn và hiệu quả, DAG không chỉ giúp cải thiện cấu trúc sản phẩm thực phẩm mà còn góp phần giảm nguy cơ béo phì, tăng cường sức khỏe tim mạch. Nghiên cứu này mở ra hướng đi triển vọng cho việc phát triển thực phẩm lành mạnh và công nghệ lipid hiện đại

Trong tham luận mang chủ đề “Khám phá tiềm năng trị liệu của cây thuốc Việt Nam”, GS.TS. Đặng Thị Phương Thảo, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên ĐHQG TP.HCM, đã hệ thống hóa các loài cây thuốc dân gian có giá trị cao, làm rõ khả năng ứng dụng trong điều trị vết thương, ung thư và bệnh thoái hóa thần kinh. Những phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của việc bảo tồn tri thức thực vật dân gian và kiến nghị cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để xác thực bằng chứng, qua đó tích hợp hiệu quả giá trị truyền thống vào y học hiện đại

GS.TS. Arinthip Thamchaipenet, Đại học Kasetsart, Thái Lan với tham luận “Hệ vi sinh vật thực vật có lợi cho sinh trưởng, sức khỏe và khả năng kháng stress” đã làm rõ vai trò của vi sinh vật nội sinh trong việc tăng cường sức khỏe và khả năng thích nghi của cây trồng. Qua phân tích biểu hiện gen và hệ phiên mã, nghiên cứu hé lộ các tương tác phân tử giữa cây và vi sinh vật, mở ra hướng ứng dụng tổ hợp vi sinh tiềm năng nhằm phát triển nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu

Trong tham luận “Tích hợp tin sinh học và kỹ thuật học máy để dự đoán các Peptide có hoạt tính sinh học ứng dụng trong dược phẩm và mỹ phẩm”, PGS.TS. Teerasak E-Kobon, Đại học Kasetsart, Thái Lan, đã trình bày việc sử dụng các kỹ thuật tiên tiến để dự đoán peptide kháng khuẩn, chống oxy hóa và điều chỉnh sắc tố da, mở ra cơ hội phát triển sản phẩm trị mụn và làm trắng da. Việc tối ưu hóa quy trình nghiên cứu và khai thác tài nguyên sinh học chưa được tận dụng cũng hứa hẹn tạo ra giải pháp bền vững cho ngành chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp

Tiếp đó, trong tham luận “Công cụ phân tử và công nghệ sinh học trong chẩn đoán virus và Phytoplasma gây bệnh trên thực vật”, TS. Govind P. Rao, Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ, nhấn mạnh virus và phytoplasma là mối đe dọa nghiêm trọng với năng suất và sự phát triển nông nghiệp. Ông giới thiệu các kỹ thuật chẩn đoán hiện đại, giúp phát hiện nhanh chóng mầm bệnh ngay cả khi cây chưa có triệu chứng, từ đó kiểm soát dịch hại và duy trì năng suất bền vững

Trong một nghiên cứu khác, PGS.TS. Mori Takahiro, Đại học Tokyo, Nhật Bản, đã trình bày tham luận “Phân tích cấu trúc – chức năng và kỹ thuật thao tác các enzyme sinh tổng hợp”, làm rõ cơ chế tạo ra sự đa dạng cấu trúc của chất chuyển hóa thứ cấp, đặc biệt trong sinh tổng hợp kháng sinh lincosamide từ Streptomyces. Nghiên cứu phát hiện các axit amin thơm tại vị trí hoạt động của enzyme là yếu tố quyết định trong việc kiểm soát chất nền và kết quả phản ứng. Nhờ kỹ thuật đột biến cấu trúc, nhóm nghiên cứu đã thành công chuyển đổi chức năng xúc tác của enzyme, tạo ra các dẫn xuất mới của lincosamide, mở ra cơ hội phát triển kháng sinh và chất chuyển hóa mới.
Các báo cáo tham luận trực tiếp đã làm nổi bật vai trò trung tâm của công nghệ sinh học trong việc giải quyết những thách thức thực tế trên nhiều lĩnh vực đa dạng, từ y tế và thực phẩm đến nông nghiệp và mỹ phẩm. Điểm chung nổi bật là sự khai thác tiềm năng to lớn của nguồn tài nguyên sinh học phong phú – bao gồm thực vật, vi sinh vật và sinh vật biển – kết hợp cùng các công cụ công nghệ sinh học tiên tiến như enzyme, phân tích gen và học máy. Đặc biệt, các nghiên cứu đều cho thấy sự giao thoa mạnh mẽ giữa nhiều ngành khoa học, bao gồm sinh học, hóa học, y học, nông nghiệp, khoa học máy tính và công nghệ thực phẩm. Nền tảng vững chắc của các ứng dụng này nằm ở những nghiên cứu cơ bản sâu rộng về cơ chế sinh học, phân tích gen, cấu trúc phân tử và các tương tác sinh học phức tạp.
Theo đó, các bài toàn văn tại chương trình sau khi được phản biện sẽ được xét đăng trong số đặc biệt của Tạp chí khoa học Trường đại học Mở TPHCM – Kinh tế và Kỹ thuật (ISSN: 1859 – 3453, được Hội đồng Giáo sư Nhà nước Việt Nam công nhận). Hội thảo lần này sẽ không chỉ là cầu nối lan tỏa tri thức khoa học, mà còn mở ra những cơ hội hợp tác sâu rộng, góp phần vào sự phát triển bền vững của lĩnh vực.

Người tham dự chụp ảnh lưu niệm
Một số hình ảnh chương trình:

Các gian hàng về sản phẩm, dịch vụ

Các chuyên gia tham quan, góp ý các nghiên cứu được giới thiệu thông qua hình thức báo cáo treo
Bài viết: Mỹ Hằng
Hình ảnh: Minh Huy