Tin Tức
Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh (OU) triển khai 02 đề án nghiên cứu phát triển Kinh tế – Xã hội vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được đánh giá là có vùng có liên kết tốt trong việc khai thác hết các tiềm năng và sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả. Tuy nhiên, theo nhận định của Ban Điều phối vùng, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành với các chính sách cho Vùng vẫn chưa đạt mức tối ưu bởi các tỉnh, thành chưa có giải pháp phù hợp chung cũng như sự ràng buộc trách nhiệm rõ ràng trong phân công, phân nhiệm. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội trong vùng vẫn chưa đồng bộ. Trước tình hình trên, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Ban Điều phối liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã giao cho Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh triển khai 02 đề án nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Sáng ngày 10/01/2018, hội thảo khoa học “Cơ chế và chính sách tạo vốn đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam” được tổ chức tại Trung tâm hội nghị tỉnh Bình Dương. Chương trình do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương phối hợp cùng Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Buổi hội thảo có sự tham dự của Phó Giám đốc các Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Tài chính của tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai; về phía Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh có sự hiện diện của PGS.TS.Vũ Hữu Đức – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường cùng đông đảo các chuyên gia và các nhà khoa học.
Tại Chương trình, PGS.TS Nguyễn Minh Kiều trong phần trình bày tham luận đã nêu lên mục tiêu trong việc tạo vốn đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vùng kinh tế trọng điểm là cần rút ngắn khoảng cách và nâng cao khả năng tiếp cận vốn của dự án, phát huy những điểm mạnh và hạn chế những điểm yếu của sử dụng nguồn vốn. Ông đã đưa ra các đề xuất các chính sách đầu tư hạ tầng giao thông như chính sách phân bổ ngân sách cho đầu tư, chính sách hợp lực giữa các địa phương trong vùng, chính sách thu hút đầu tư từ khu vực tư, vốn quốc tế. Ngoài ra, nhiều bài tham luận khác rất hữu ích cũng được trình bày tại Hội thảo:
- Tổng quan các hình thức huy động nguồn vốn để đầu tư hạ tầng giao thông – nghiên cứu trường hợp áp dụng cơ chế “biên chỉnh trang” tạo nguồn vốn đầu tư và bài học đúc kết, khuyến cáo từ TP. Hồ Chí Minh.
- Công ty đầu tư phát triển hạ tầng – mô hình cần thiết cho đầu tư phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.
- Cơ chế và chính sách tạo vốn đầu tư hạ tầng giao thông kết nối Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam
- Hạn chế của phân cấp ngân sách nhà nước trong việc tạo lập vốn phát triển cơ sở hạ tầng.
- Giải pháp huy động vàng và ngoại tệ trong dân cư thông qua ngân hàng đầu tư và phát triển hạ tầng giao thông.
- Cơ chế và chính sách tạo vốn đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức hợp tác công – tư (PPP).
Na Nguyễn