Thông cáo báo chí
THÔNG CÁO BÁO CHÍ HỘI THẢO KHOA HỌC ĐÔNG NAM Á – NHỮNG PHƯƠNG DIỆN NGHIÊN CỨU LIÊN NGÀNH
Vào lúc 8h00 ngày 23/4/2021 tại Hội trường 202, số 35 – 37 Hồ Hảo Hớn, Phường Cô Giang, Quận 1, TP.HCM, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á tổ chức Hội thảo khoa học “Đông Nam Á – Những phương diện nghiên cứu liên ngành”.
Mục đích chương trình:
Trong thời gian qua, thế giới nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng đã và đang trải qua nhiều biến động, đặc biệt là sự bùng phát của đại dịch Covid-19 và các thảm họa về môi trường. Các sự kiện đó tác động đến hầu hết các lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cho đến mối quan hệ quốc tế,… của các quốc gia Đông Nam Á. Điều này đặt ra những yêu cầu về cách tiếp cận nghiên cứu khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh mới. Đồng thời, việc tăng cường trao đổi, chia sẻ và công bố các kết quả nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á và ASEAN theo hướng tiếp cận liên ngành cũng được đặt ra. Qua đó, có thể áp dụng các kết quả nghiên cứu vào hoạt động giảng dạy và hợp tác khu vực.
Hội thảo cũng hướng đến kỷ niệm 54 năm ngày Thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – ASEAN (08/8/1967 – 08/8/2021). Đồng thời kỷ niệm 30 năm đào tạo ngành Đông Nam Á học tại Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh (1991 – 2021).
Nội dung chương trình:
Chương trình được diễn ra với sự chủ trì của PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân – Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á, PGS.TS. Dương Văn Huy, Trưởng Phòng Nghiên cứu Đông Nam Á hải đảo – Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, TS. Ngô Bích Thu – Trưởng Bộ môn Đông Nam Á học, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong hội thảo, có 6 bài tham luận được trình bày bởi:
– PGS.TS. Dương Văn Huy (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á): Một số lý thuyết tiếp cận khi nghiên cứu Đông Nam Á.
– PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân (Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á): Tình hình giảng dạy và đào tạo ngành Đông Nam Á học tại TP.HCM
– ThS. Trần Đình Vũ Hải (Phó Trưởng phòng Chính trị – Kinh tế đối ngoại, Sở Ngoại vụ TP.HCM): công tác đối ngoại của TP.HCM với các nước Đông Nam Á trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
– ThS. Phan Thế Hiển (Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM): một số vấn đề lý luận và thực tiễn về bản sắc văn hóa trong phát triển du lịch tại Đông Nam Á
– ThS. Đặng Thị Quốc Anh Đào (Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh): Hệ thống Subak và triết lý Hita Karana trong hệ thống Subak của người Bali tại Indonesia.
– TS. Saraswathy (Nguyên Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Malaysia tại TP.HCM): Cộng đồng ASEAN – cơ hội và thách thức phía trước.
Bên cạnh đó, hội thảo còn xuất bản kỷ yếu khoa học có chỉ số ISBN “Đông Nam Á – Những phương diện nghiên cứu liên ngành” với 21 bài tham luận đến từ các trường Đại học, cao đẳng, học viện, viện nghiên cứu tại Việt Nam. Các bài viết tập trung các chủ đề nghiên cứu liên ngành về khu vực Đông Nam Á, các nền văn hóa và các vấn đề hiện tại của khu vực Đông Nam Á. Kỷ yếu hội thảo được kỳ vọng như là nguồn tài liệu cho nghiên cứu, học tập về Đông Nam Á với các vấn đề liên quan.
Về Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh
Được thành lập năm 1990 và trở thành trường đại học công lập vào năm 2006, đến nay với 30 năm hình thành và phát triển, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Với triết lý giáo dục Nhân bản, Rộng mở, Thực tiễn, Hội nhập, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đang là trường đại học công lập đa ngành hàng đầu ở Việt Nam với định hướng ứng dụng, phổ cập kiến thức và gắn kết cộng đồng; trong đó đào tạo từ xa hướng tới phát triển ngang tầm khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi luôn giữ gìn và phát triển các giá trị cốt lõi bao gồm: Mở rộng tri thức; Gắn kết thực tiễn; Phục vụ cộng đồng; Chuyên nghiệp, hiệu quả, sáng tạo và thân thiện.
Về ngành Đông Nam Á học
Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh là trường đầu tiên đào tạo ngành Đông Nam Á học trong cả nước. Từ năm 1991 đến nay, ngành Đông Nam Á học đã đào tạo hàng nghìn cử nhân Đông Nam Á học cho các viện nghiên cứu, các cơ quan ngoại giao, các doanh nghiệp ở đa dạng các lĩnh vực. Sinh viên ngành Đông Nam Á học được đào tạo kiến thức khu vực học về Đông Nam Á, nghiệp vụ du lịch, văn hóa và kỹ năng nghiên cứu văn hóa, lịch sử. Khi tốt nghiệp, sinh viên có cơ hội làm việc trong đa dạng các lĩnh vực như du lịch, báo chí, quan hệ quốc tế, kinh doanh trong các doanh nghiệp nước ngoài, nghiên cứu.
Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Anh Nguyễn Văn Lùng (0367706282) – Khoa Xã Hội học – Công tác xã hội – Đông Nam Á Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh