Tin Tức
Tập huấn: “Giới thiệu một số công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ giảng dạy và nghiên cứu khoa học”
Ngày 01/8/2024, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh tổ chức khoá tập huấn tại Hội trường 602, cơ sở 97 Võ Văn Tần, Quận 3 với chủ đề “Giới thiệu một số công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ giảng dạy và nghiên cứu khoa học” do TS. Nguyễn Thành Hải, đến từ Đại học Missouri, Hoa Kỳ trình bày.
Tham dự buổi tập huấn có: GS.TS. Nguyễn Minh Hà – Hiệu trưởng Trường cùng đông đảo viên chức, người lao động thuộc Trường.
Phát biểu tại buổi tập huấn, GS.TS. Nguyễn Minh Hà – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh cho biết, để đáp ứng nhu cầu giáo dục ngày càng cao, việc liên tục cập nhật kiến thức và áp dụng công nghệ mới là yêu cầu cần thiết đối với mỗi giảng viên trong thời đại ngày nay. Vì thế, Quý Thầy, Cô mình cần không ngừng học hỏi và đổi mới, với các buổi tập huấn như hôm nay chính là cơ hội để chúng ta bổ sung kỹ năng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến TS. Nguyễn Thành Hải vì những chia sẻ quý báu sắp tới và chúc Quý Thầy, Cô nhiều sức khỏe và thành công trong công việc.
Buổi tập huấn thu hút sự tham gia của các giảng viên và viên chức hành chính có tham gia giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học. TS. Nguyễn Thành Hải đã trình bày về Trí tuệ tăng cường (Intelligent Augmentation), nhấn mạnh sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và trí tuệ vốn có của con người.
Trong phần thảo luận, người tham dự đã tích cực trao đổi và đưa ra những ý kiến đóng góp về việc áp dụng công cụ AI hỗ trợ giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Trong đó, giải đáp thắc mắc về sự giống nhau của bản trình bày nếu các giảng viên cùng sử dụng chung một công cụ AI, TS. Nguyễn Thành Hải chi biết, mặc dù cùng sử dụng công cụ AI, nhưng cách mà giảng viên ứng dụng và sáng tạo trong quá trình hiệu chỉnh bản trình bày cùng phương pháp giảng dạy sẽ làm nên sự khác biệt.
Bên cạnh đó, việc sinh viên sử dụng sách giáo khoa bản mềm để tự xây dựng ngân hàng đề thi, lo ngại rằng các em đã có sẵn đáp án mà thiếu đi tính tư duy cũng được người tham dự đề cập đến. Theo ThS. Nguyễn Châu Bích Tuyền, giảng viên khoa Ngoại ngữ: “Trang trình chiếu (Slide) chỉ cung cấp nội dung chung để hỗ trợ thuyết trình, giảng viên phải dựa vào nội dung mà sinh viên tự tổng hợp và phân tích trong lúc trình bày thì mới đánh giá được các em có thật sự hiểu vấn đề hay không. Mình có thể hỏi “Tại sao” để sinh viên tăng tính năng động và suy nghĩ xây dựng giải pháp ở sinh viên.”
TS. Nguyễn Thành Hải nhấn mạnh rằng với sự hỗ trợ của AI, hoạt động học tập trên lớp của sinh viên cần thiên về phân tích, đánh giá, tổng hợp, đặc biệt nên có dự án sáng tạo và tình huống giả định thay vì chỉ trình bày chung chung như trước. ThS. Thái Thanh Tuấn, giảng viên khoa Quản trị kinh doanh, đồng quan điểm: “Vì có các em sinh viên rất thông minh, dựa vào cái chung chung để tiết kiệm thời gian trong tổng hợp kiến thức rồi tư duy để hiểu rộng ra vấn đề.”
Trong buổi tập huấn, TS. Nguyễn Thành Hải cũng lưu ý các Thầy, Cô nên tạo một tài khoản email mới chỉ dành riêng cho việc sử dụng các công cụ AI nhằm tránh bị AI sử dụng thông tin cá nhân.
Các công cụ hỗ trợ trong hoạt động giảng dạy được giới thiệu bao gồm: Magic School, Brisk Teaching, và Gamma. Bên cạnh đó, các công cụ hỗ trợ trong việc viết bài học thuật là Jenni và Scite cũng được TS. Nguyễn Thành Hải giới thiệu tới các người tham dự.
Buổi tập huấn kết thúc với nhiều thông tin hữu ích và đã mở ra nhiều cơ hội mới trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học./.
Bài viết & Hình ảnh: Minh Khánh