Hoạt động Sinh viên
Sinh viên Trường Đại học Mở TP.HCM hào hứng vào từng giây phút kịch tính và xúc động của vở kịch “Thành Thăng Long thuở ấy”
Chiều ngày 16/5/2025, tại Hội trường 602, cơ sở 97 Võ Văn Tần, Quận 3, Trường Đại học Mở TP.HCM phối hợp cùng Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM tổ chức buổi biểu diễn vở kịch lịch sử đặc sắc “Thành Thăng Long thuở ấy”. Chương trình thu hút sự quan tâm của hơn 400 khán giả là viên chức, người lao động và sinh viên thuộc Trường.

Màn hóa thân tuyệt vời của dàn diễn viên chạm đến trái tim của hàng trăm người xem

Đông đảo người tham dự chương trình
“Thành Thăng Long thuở ấy” đưa người xem trở về thời khắc lịch sử đầy biến động: giai đoạn chuyển giao từ nhà Lý sang nhà Trần. Vở kịch khắc họa sâu sắc bi kịch của những người phụ nữ hoàng tộc – nơi số phận riêng tư bị cuốn vào vòng xoáy quyền lực, trở thành mắt xích trong những toan tính chính trị mang tầm quốc gia.
Khán giả được theo dõi câu chuyện của Lý Chiêu Hoàng – vị nữ hoàng cuối cùng của triều Lý – buộc phải nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, rồi sau đó bị phế truất khi không thể sinh con nối dõi. Công chúa Thuận Thiên – chị gái của Chiêu Hoàng, dù đang mang thai con của chồng cũ, cũng bị sắp đặt cuộc hôn nhân mới theo mưu đồ chính trị. Cùng lúc đó, Trần Thị Dung – mẹ của hai công chúa, phải gánh chịu định kiến cay nghiệt của dư luận vì trở thành vợ của chính người đã ép chồng bà phải chết. Những câu chuyện ấy không chỉ mang tính lịch sử, mà còn là tiếng nói của nỗi đau, sự hi sinh và thân phận con người trong dòng xoáy của quyền lực và định mệnh.

Chuỗi tình tiết hấp dẫn xuyên suốt vở kịch
Với một kịch bản chỉn chu, đầy tính nhân văn và chiều sâu lịch sử, vở kịch đã được thổi hồn bởi diễn xuất chuyên nghiệp của đội ngũ Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) là giảng viên, sinh viên tài năng đến từ Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM. Đặc biệt, vở kịch còn mang hơi thở hiện đại khi táo bạo sử dụng nhạc rap vào mạch truyện, khiến những màn đối đáp trở nên hài hước và cực kỳ “bắt trend”. Sự kết hợp hoàn hảo này đã mang đến cho người xem một trải nghiệm nghệ thuật trọn vẹn, mở ra một góc nhìn mới mẻ và gần gũi về lịch sử dân tộc.
Thông qua chương trình, Nhà trường không chỉ khẳng định vai trò của mình trong việc cung cấp tri thức, mà còn tiếp tục là môi trường nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách và tinh thần trách nhiệm công dân cho thế hệ trẻ Việt Nam trong bối cảnh hiện đại.

Khán giả cùng diễn viên đoàn kịch chụp ảnh lưu niệm
Bài viết: Mỹ Hằng
Hình ảnh: Phước Đạt