Tin Tức
NGHIÊN CỨU ĐA NGÔN NGỮ BẬC ĐẠI HỌC TRONG LÝ THUYẾT HẬU ĐƠN NGỮ (Multilingual Higher Degree Researchers Engaging in Post-monolingual Theorizing)
Ngày 03/12/2016 vừa qua, Khoa Ngoại ngữ – Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi hội thảo mang tên: “Nghiên cứu đa ngôn ngữ bậc đại học trong lý thuyết hậu đơn ngữ (Multilingual Higher Degree Researchers Engaging in Post-monolingual Theorizing) với khách mời thuyết giảng là Giáo sư Michael Singh – đến từ Đại học Western Sydney, Úc. Ngoài ra, còn có sự góp mặt cô Nguyễn Thúy Nga – Trưởng khoa Ngoại ngữ, các thầy cô giáo đang giảng dạy tại khoa cũng như các bạn sinh viên trong khoa.
Về vị khách mời của chương trình – Giáo sư Michael Singh – ông hiện đang là Chủ tịch hiệp hội Nghiên cứu Giáo dục Úc, thành viên ban giám đốc điều hành Hiệp hội Giáo viên – Giảng viên quốc gia Úc đồng thời, ông cũng là một giảng viên tại Đại học Tây Úc và là một người đã đạt được rất nhiều giải thưởng vì những nghiên cứu và những cống hiến của ông cho nền giáo dục nước nhà.
Bằng phong thái và cách nói chuyện dễ nghe, dí dỏm, và dễ hiểu, Giáo sư Michael bắt đầu hội thảo cùng những tiếng cười từ phía người nghe.
Giáo sư đã giải thích về sự can thiệp của giáo dục trong việc mở rộng khả năng nghiên cứu đa ngôn ngữ bậc đại học trong lý thuyết hậu đơn ngữ gồm có ba thành phần: phát triển kiến thức theo chủ nghĩa hậu đơn ngữ, làm tăng thêm khả năng của lý thuyết hậu đơn ngữ và tự đối chiếu khả năng tạo ra hậu đơn ngữ của mình đồng thời còn đưa ra những dẫn chứng thú vị để khảo sát tiềm năng của đề tài này.
Thông qua phương pháp này, những nhà nghiên cứu đa ngôn ngữ bậc đại học có thể tạo ra sự đóng góp độc đáo cho tác phẩm, ứng dụng và lưu hành lý thuyết nhờ vào việc dẫn chứng sự hiện diện của nguồn gốc từ nước ngoài trong ngôn ngữ bản xứ (chẳng hạn như các “từ mượn” trong ngôn ngữ Việt Nam), nhờ vào sự trộn lẫn ngôn ngữ, phép ẩn dụ nhiều ngôn ngữ, phát triển khả năng đa ngôn ngữ trong lý thuyết bằng cách sử dụng hình ảnh, sáng tạo và phát huy từ sự đa dạng của các ngôn ngữ để tạo ra khái niệm lý thuyết.
Sau khi trình bày xong những phần chính về lý thuyết hậu đơn ngữ, Giáo Sư và các vị khán giả trong hội trường đã cùng trao đổi với nhau về việc áp dụng phương pháp này ở Việt Nam nói chung và trong việc học tiếng Anh nói riêng. Các giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Mở Thành Phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ với hội thảo rất nhiều những phương pháp hay trong việc học từ vựng, trong việc miêu tả những từ ngữ tiếng Việt không có trong Tiếng Anh,…
Buổi hội thảo tuy không dài nhưng chắc chắn sẽ đọng lại trong lòng những người tham dự những ấn tượng khó phai về giáo sư Michael cũng như đề tài rất hay mà ông đã trình bày.
(Khoa Ngoại Ngữ)