Bảo vệ môi trường
Ngày Môi trường Thế giới 2025 – “Chấm dứt ô nhiễm nhựa”
Ngày Môi trường Thế giới 2025 không chỉ là một thông điệp, mà còn là một lời kêu gọi hành động mạnh mẽ dành cho mỗi cá nhân trên toàn thế giới, đặc biệt là giới trẻ. Trong cuộc hành trình hướng đến một hành tinh không nhựa, lan tỏa những giá trị xanh và khơi dậy ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng sinh viên.

Ngày Môi trường Thế giới 2025 – “Chấm dứt ô nhiễm nhựa” – Nguồn ảnh: Internet
Ngày môi trường thế giới là ngày gì?
Ngày môi trường thế giới (World Environment Day) là một ngày được thành lập nhằm nâng cao nhận thức của con người về sự biến đổi khí hậu, ý thức về vai trò của bản thân trong vòng tuần hoàn của sự sống, từ đó có những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường.
Chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới 2025 là “Chấm dứt ô nhiễm nhựa”. Chủ đề này phù hợp với các cam kết quốc tế đang diễn ra là nhằm giảm tiêu thụ nhựa, cải thiện hệ thống tái chế và thúc đẩy các giải pháp thay thế bền vững. Ngày này là cơ hội để các chính phủ, doanh nghiệp và người dân hành động chống lại ô nhiễm nhựa và ủng hộ các chính sách thúc đẩy một hành tinh sạch hơn, lành mạnh hơn.
Hàn Quốc – Quốc gia tiên phong trong cuộc chiến chống nhựa
Năm 2025, Hàn Quốc sẽ đăng cai tổ chức Ngày Môi Trường Thế Giới lần thứ hai, sau sự kiện vào năm 1997 với chủ đề “Vì sự sống trên Trái Đất”. Trong gần ba thập kỷ qua, quốc gia này đã có những bước tiến vượt bậc trong việc cải thiện chất lượng môi trường, từ quản lý chất thải đến phục hồi hệ sinh thái.
Đặc biệt, Hàn Quốc là một trong những quốc gia tiên phong triển khai “Chiến lược quản lý nhựa theo vòng đời khép kín” với mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa ngay từ khâu sản xuất, thiết kế, tiêu dùng cho đến thu gom và tái chế. Đặc biệt, nhờ việc áp dụng chính sách Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), Hàn Quốc đã xây dựng được một hệ thống quản lý rác thải hiệu quả, trở thành hình mẫu tiêu biểu trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Jeju – Điểm đến xanh cho Ngày Môi Trường Thế Giới 2025
Sự kiện sẽ diễn ra tại Đảo Jeju, nơi được công nhận vì các dự án bảo vệ môi trường, bao gồm tầm nhìn “Đảo không nhựa 2040”. Đây sẽ là lần đầu tiên sau 28 năm, Hàn Quốc đăng cai Ngày Môi trường Thế giới.
Tỉnh Jeju, nơi diễn ra lễ kỷ niệm chính thức, là một trong những địa phương đi đầu trong cuộc chiến chống rác thải nhựa. Năm 2022, Jeju đặt mục tiêu “Không còn ô nhiễm nhựa vào năm 2040” và đã triển khai nhiều sáng kiến như:
- Hệ thống phân loại rác thải bắt buộc tại các trung tâm tái chế.
- Chương trình thu gom cốc dùng một lần đầu tiên trên cả nước.
- Khuyến khích tái sử dụng để giảm thiểu rác thải ra môi trường.
Bộ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc Kim Wansup đã nhấn mạnh: “Lễ kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới năm 2025 sẽ là điểm khởi đầu nhằm tập hợp các nỗ lực toàn cầu cho mục tiêu chấm dứt ô nhiễm nhựa”.

Nguồn nước ngầm Cheonggulmul ở thị trấn Gujwa-eup, thành phố Jeju
Tác động đáng báo động của ô nhiễm nhựa
Nhựa đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, nhưng sự lạm dụng và xử lý sai cách đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Hơn 8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra đại dương mỗi năm, gây ra cái chết của hàng triệu sinh vật biển. Các hạt vi nhựa cũng xâm nhập vào chuỗi thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Xem thêm: Phát hiện vi nhựa trong não người
Hiện nay, lượng rác thải sinh hoạt đã ở ngưỡng báo động: 400 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm, nhưng 50% là nhựa dùng một lần, và chỉ khoảng 9–10% được tái chế (theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc – UNEP, 2023). Theo thống kê của Tổ chức OECD năm 2022, 19–23 triệu tấn nhựa mỗi năm bị cuốn trôi ra các hồ, sông, suối và cuối cùng đổ ra biển, tương đương với mỗi phút có một xe rác nhựa đổ xuống đại dương. Rác thải nhựa sẽ bị phân rã thành các mảnh vi nhựa, lần lượt xâm nhập vào thức ăn của chúng ta, như thịt, cá và trở thành nguyên nhân của nhiều loại bệnh khác nhau.

Trái Đất đang đối mặt với vấn đề cấp bách là Ô nhiễm nhựa
Sinh viên và trách nhiệm trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa
Tuy nhiên, ô nhiễm nhựa không phải là vấn đề không thể giải quyết. Với những giải pháp cụ thể và sự chung tay của cả cộng đồng, chúng ta hoàn toàn có thể giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thay đổi thói quen sử dụng nhựa.
- Mang theo túi vải, bình nước cá nhân hạn chế nhựa dùng một lần.
- Lựa chọn sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường.
- Mang hộp đựng thức ăn khi mua đồ ăn mang đi.
- Tái sử dụng giấy, chai, và các vật dụng có thể tái chế.
- Vứt rác và phân loại rác đúng quy cách.
- Trồng cây xanh và bảo vệ thiên nhiên.
- Tắt các thiết bị sử dụng điện khi không sử dụng.
- Sử dụng phương tiện giao thông công cộng và phương tiện sử dụng điện.
CLB OU GREEN PLUS – HÀNH TRÌNH HƯỚNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG KHÔNG NHỰA
Câu lạc bộ OU GREEN PLUS tin rằng sức mạnh của cộng đồng sinh viên sẽ tạo nên những khác biệt lớn khi đồng lòng vì một môi trường không nhựa. Từ khi thành lập năm 2019 đến nay, ngoài sứ mệnh hành động giữ gìn môi trường sống, CLB đã và đang tổ chức những hoạt động bảo vệ môi trường với 3 giá trị cốt lõi là “Xây dựng ý thức – Kết nối cộng đồng – Lan tỏa sức mạnh”
Những biện pháp rác hạn chế rác thải nhựa hiệu quả nhất:
- Tái sử dụng đồ nhựa
- Phân loại rác thải trong sinh hoạt hằng ngày theo 3 nhóm: tái chế – vô cơ – hữu cơ
- Hạn chế tối đa việc đốt rác thải nhựa tại nhà
- Hạn chế rác thải nhựa từ chính các hộ gia đình
- Thay thế túi nilon bằng túi giấy
- Hạn chế sử dụng đồ ăn nhanh, đồ uống sử dụng cốc nhựa ống hút 1 lần
OUG đã tổ chức các hoạt động như:
- Chiến dịch say no to plastic
- Hãy làm sạch biển – Beach Clean Up
- Trạm xanh di động với các trạm xanh phân loại rác, tái chế, tái sử dụng…
- Chương trình “Sắc Xanh OU” tuyên truyền tác hại của rác nhựa đến các em học sinh tiểu học…
Bạn quan tâm đến các hoạt động bảo vệ môi trường của sinh viên, hãy follow fanpage OU Green Plus ( https://www.facebook.com/OUGreenPlusClub ) để cập nhật những tin tức xanh và tham gia cùng chúng mình nhé.

Câu lạc bộ OU Green Plus chung tay bảo vệ môi trường – Ảnh: OU Green Plus
Uyên Thy