Phát triển bền vững
Mục tiêu Phát triển bền vững số 2: Nói không với nạn đói – Chấm dứt nạn đói và mọi hình thức suy dinh dưỡng
Theo Báo cáo về tình trạng An ninh lương thực và Dinh dưỡng trên thế giới (SOFI) năm 2023, ước tính có từ 691 đến 783 triệu người trên thế giới đang phải đối mặt với nạn đói ở mức độ nghiêm trọng và một số người đang trên bờ vực chết đói. Vì thế hãy OU cùng chung tay khắc phục nạn đói và suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức vì một thế giới phát triển bền vững! (Nguồn: baochinhphu.vn)
Mục tiêu 2 – Xóa đói. Nguồn: jci.vn
Để góp phần hành động vì một mục tiêu Không còn nạn đói, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền và trải nghiệm thực tế, tạo điều kiện cho các bạn sinh viên tham gia bảo vệ môi trường, trồng cây xanh. Hoạt động này góp phần giảm các thiên tai, dịch bệnh để đất nước được phát triển một cách bền vững và toàn diện. Song, đảm bảo tất cả mọi người được tiếp cận với những thực phẩm an toàn, đầy đủ dinh dưỡng.
Ngoài ra, Nhà trường còn đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế nhằm tăng cường mở rộng mối quan hệ giao lưu văn hóa, thắt chặt tình hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia. Qua đó, Nhà trường mong muốn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường đầu tư đảm bảo hệ thống sản xuất bền vững, vững chắc và có khả năng phục hồi.
Liên Hợp Quốc đưa ra mục tiêu Xóa đói nhằm hướng đến:
– Đến năm 2030, chấm dứt nạn đói và đảm bảo mọi người, đặc biệt là người nghèo và người dân trong các tình huống dễ bị tổn thương, kể cả trẻ sơ sinh tiếp cận thực phẩm an toàn, bổ dưỡng và đầy đủ quanh năm.
– Đến năm 2025, hoàn thành các mục tiêu đã được quốc tế thống nhất là chấm dứt tình trạng thấp còi, suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi và giải quyết nhu cầu dinh dưỡng của bé gái vị thành niên, phụ nữ mang thai cho con bú và người già.
– Đến năm 2030, chấm dứt tất cả các dạng suy dinh dưỡng.
– Đến năm 2030, tăng gấp đôi năng suất nông nghiệp và thu nhập của các hộ sản xuất thực phẩm quy mô nhỏ, đặc biệt là phụ nữ, người bản địa, nông dân gia đình và ngư dân. Tiếp cận an toàn và bình đẳng với đất đai, các nguồn lực sản xuất và đầu vào khác (kiến thức, dịch vụ tài chính, thị trường, cơ hội…) để gia tăng giá trị và việc làm phi nông nghiệp.
– Đến năm 2030, đảm bảo hệ thống sản xuất lương thực bền vững và thực hành nông nghiệp linh hoạt. Giúp tăng năng suất sản xuất, duy trì hệ sinh thái, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, hạn hán, lũ lụt và các thảm họa khác, cải thiện chất lượng đất.
– Tăng cường hợp tác quốc tế, tăng cường đầu tư trong các lĩnh vực quan trọng (cơ sở hạ tầng nông thôn, nghiên cứu nông nghiệp và dịch vụ khuyến nông, phát triển công nghệ và ngân hàng gen cây trồng và vật nuôi) để tăng cường năng lực sản xuất nông nghiệp ở các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước kém phát triển nhất.
– Sửa chữa và ngăn chặn các hạn chế và biến dạng thương mại trên thị trường nông sản thế giới. Loại bỏ song song tất cả các hình thức trợ cấp xuất khẩu nông nghiệp và tất cả các biện pháp xuất khẩu có hiệu lực tương đương, theo quy định của vòng phát triển Doha.
– Áp dụng các biện pháp để đảm bảo hoạt động đúng đắn của thị trường hàng hóa thực phẩm và các công cụ phát sinh của chúng. Qua đó tạo điều kiện tiếp cận kịp thời thông tin thị trường, bao gồm dự trữ thực phẩm để giúp hạn chế biến động giá lương thực cực đoan.
Ở Việt Nam, xóa đói – giảm nghèo toàn diện, bền vững luôn được Đảng và Nhà Nước ta hết sức quan tâm. Nạn đói đã và đang diễn ra tại Việt Nam nói chung và khu vực miền núi, vùng thiểu số nói riêng là một vấn đề đáng lo ngại. Vì thế, chúng ta phải quyết liệt đưa ra các giải pháp và mục tiêu để Xóa bỏ nạn đói, suy dinh dưỡng ở trẻ em miền núi.
Để đối phó với thách thức trên, trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy nguồn lực sản xuất nông nghiệp, thực phẩm đồng thời phát triển khoa học kỹ thuật, tăng cường đầu tư, có chính sách xã hội hóa vì sự phát triển toàn diện, vững bền của đất nước.
Hồng Lam tổng hợp