Bảo vệ môi trường
Mục tiêu phát triển bền vững số 14: Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên biển và đại dương
Mục tiêu phát triển bền vững 14. Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên biển và đại dương
Nhằm giải quyết thách thức toàn cầu về nguy cơ cạn kiệt tài nguyên và sự ô nhiễm môi trường biển ngày càng nghiêm trọng, Liên Hợp Quốc (LHQ) đã đưa ra lời kêu gọi các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam phải cùng nhau bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững. Đây cũng chính là nội dung của Mục tiêu phát triển bền vững số 14 (Sustainable Development Goals 14) đã được LHQ thông qua vào tháng 09 năm 2015.
Các chỉ tiêu của Mục tiêu phát triển bền vững 14
- Đến năm 2030, tăng những lợi ích kinh tế cho các Quốc đảo nhỏ đang phát triển và các quốc gia kém phát triển sử dụng bền vững những nguồn tài nguyên biển. Thông qua quản lý bền vững nghề cá, nuôi trồng thủy sản và du lịch.
- Nâng cao kiến thức khoa học, phát triển năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ hàng hải. Hoạt động có tính đến các tiêu chí và hướng dẫn của Ủy ban Hải dương học liên chính phủ. Để cải thiện sức khỏe đại dương và tăng cường sự đóng góp của đa dạng sinh học biển đối với sự phát triển của các nước.
- Cung cấp khả năng tiếp cận thị trường và các nguồn tài nguyên biển cho những ngư dân lành nghề có quy mô nhỏ.
- Tăng cường bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương và các nguồn lực của chúng. Bằng cách thực thi luật quốc tế như đã phản ánh trong Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS), cung cấp khung luật pháp về bảo tồn và sử dụng bền vững biển và các nguồn lực.
Hành động nào cản bước Sức khỏe đại dương và biển đang dần đi xuống
Con người nhận sự sống và nguồn lợi kinh tế từ đại dương, biển cả nhưng thứ ta trả lại môi trường lại là sự ô nhiễm nặng nề.
Sự quan tâm từ phía chính phủ cùng các chính sách, nghị quyết được ban hành
Tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng là thói quen tiêu dùng đồ nhựa tràn lan khiến đại dương bị “ngạt thở” vì rác thải nhựa. Theo đó, Việt Nam luôn nằm trong top đầu các quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất ra đại dương, gây ảnh hưởng lớn đến động vật và thực vật biển.
Những năm trở lại đây, chính phủ đang dành sự quan tâm và đưa ra nhiều giải pháp, chính sách về việc bảo vệ môi trường biển. Như Dự án Tấm lưới xanh (2022); Chương trình Hành động Quốc gia về Nhựa (từ năm 2019); Luật Môi trường nước (năm 2020)… Theo tờ báo điện tử Chính Phủ đưa tin thì nhà nước vừa ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 3/4/2023 phê duyệt chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030. Nghị quyết nêu rõ mục tiêu tổng quát là cho đến năm 2030 thì tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, công bằng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế; Ô nhiễm môi trường biển được ngăn ngừa, kiểm soát, giảm thiểu đáng kể; Đa dạng sinh học biển, ven biển và hải đảo được bảo vệ, duy trì và phục hồi.
Mong rằng, Việt Nam sẽ sớm trở thành một trong những quốc gia biển mạnh trên nhiều nền tảng và đóng góp mạnh mẽ vào mục tiêu phát triển bền vững 14: Đa dạng sinh học biển được bảo tồn, môi trường biển và các hải đảo trong lành, xã hội hài hoà với thiên nhiên.
Trường Đại học Mở TP.HCM quyết tâm bảo vệ tài nguyên môi trường biển
Bảo vệ môi trường biển không chỉ là trách nhiệm của một quốc gia hay một tổ chức riêng lẻ nào đó mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân sinh sống trên Trái Đất này. Câu lạc bộ OU Green Plus thuộc trường Đại học Mở TP. HCM vẫn đang ngày ngày thực hiện tốt các vai trò giáo dục và tuyên truyền kiến thức bảo vệ môi trường biển và sử dụng bền vững tài nguyên; Tổ chức các hoạt động thực tế thu gom rác thải tại bờ biển cho đông đảo sinh viên, giảng viên tham gia. Đồng thời, khuyến khích tất cả tình nguyện viên nói riêng và cộng đồng nói chung thực hành nếp sống “không nhựa”.
Sự khác nhau giữa con người với con người đó là ý thức trách nhiệm. “Biển cả không chỉ là nguồn sống mà còn là tâm hồn của trái đất. Hãy cùng nhau giữ cho tâm hồn này không bị ô nhiễm.” Mong rằng mỗi con người trong xã hội hiện đại sẽ sống một lối sống văn minh và có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường.
Tổng hợp : Khánh Ly