Tin Tức
Hội thảo Kết nối cơ hội việc làm 2022
Sáng ngày 13/08/2022, tại hội trường A cơ sở 97 Võ Văn Tần, Trường Đại học Mở TPHCM đã tổ chức hội thảo Kết nối cơ hội việc làm năm 2022. Chương trình nhằm kết nối, giúp sinh viên hiểu rõ xu hướng việc làm về năng lực chuyên môn cùng kỹ năng ứng tuyển.
Chương trình vinh dự với sự hiện diện của các vị diễn giả dày dặn kinh nghiệm: Anh Đặng Ngọc Tiến, HRBP Officer Jollibee VietNam; Anh Phan Chí Khang, Giám đốc huấn luyện nhân sự, cựu sinh viên QTKD; ThS. Nguyễn Thị Diệu Linh, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên và truyền thông Trường Đại học Mở TPHCM; ThS Nguyễn Lê Minh Long, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp – Tư vấn việc làm Trường Đại học Mở TPHCM.
Giúp các bạn sinh viên hiểu rõ hơn và có cái nhìn tổng quan chung về nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và tình trạng đáp ứng nguồn nhân lực hiện nay. ThS. Nguyễn Thị Diệu Linh cho biết:“ Hiện nay, có rất nhiều việc làm dành cho sinh viên, đồng nghĩa với cơ hội việc làm cho sinh viên đang rộng mở nhưng tồn tại sự cạnh tranh lẫn nhau trong quá trình tìm việc.” Theo đó, Cô thông tin thêm về 5 nhóm nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất hiện nay đó là: quản lý du lịch – khách sạn; tài chính – ngân hàng; thương mại điện tử; lao động sản xuất trong các ngành may mặc, da giày, lao động sản xuất trong ngành điện tử.
Hiểu mình đúng – chọn nghề đúng
Sự rộng mở cơ hội nghề nghiệp, cũng là nỗi băn khoăn của các bạn sinh viên về chọn công việc phù hợp với chính mình. “Để chọn được công việc phù hợp với bản thân, đầu tiên các bạn phải biết được bản thân thích gì, có điểm mạnh và điểm yếu nào để có thể xác định chính xác công việc mà mình yêu thích…” Anh Phan Chí Khang chia sẻ.
Bên cạnh đó, anh Đặng Ngọc Tiến cũng chia sẻ một số kênh thông tin tìm việc uy tín như trang tư vấn việc làm của nhà trường, công việc, kinh nghiệm tìm việc từ các anh chị khóa trước, hay tìm hiểu các công việc trên các nhóm trên mạng xã hội,.. và Anh cũng nhấn mạnh “Khi tìm việc trên các trang mạng xã hội, các bạn cũng nên hết sức chú ý vì nhiều nơi không có thật. Các bạn có thể sao chép địa chỉ, doanh nghiệp đó và tìm kiếm trên Google để kiểm tra có đáng tin cậy hay không”.
Kỹ năng viết sơ yếu lý lịch (CV) chinh phục Nhà tuyển dụng
Sơ yếu lý lịch được ví như giấy thông hành của ứng viên, và là một điểm gây ấn tượng đối với nhà tuyển dụng khi chưa gặp mặt. Vậy làm cách nào để viết Sơ yếu lý lịch chinh phục Nhà tuyển dụng ngay từ cái nhìn đầu tiên ?
Thầy Nguyễn Minh Long chia sẻ: “Một sơ yếu lý lịch tốt là một sơ yếu lý lịch ngắn gọn nhưng có đầy đủ thông tin: thông tin cá nhân, mục tiêu nghề nghiệp, quá trình học tập, kỹ năng, kinh nghiệm làm việc,… và để có những thông tin này là quá trình tích cực học tập, tham gia các hoạt động,…”
“Trước khi nộp hồ sơ xin việc vào một doanh nghiệp nào đó phải tìm hiểu kỹ yêu cầu công việc. Ngoài ra, các bạn nên tìm hiểu màu sắc, font chữ đặc thù của doanh nghiệp đó. Viết ngắn gọn, xúc tích và những kỹ năng kinh nghiệm liên quan đến công việc. Không nên gửi một sơ yếu lý lịch cho nhiều doanh nghiệp, công việc khác nhau.” Anh Đặng Ngọc Tiến chia sẻ.
Ngoài kỹ năng viết sơ yếu lý lịch các bạn sinh viên cần hiểu rõ yêu cầu chuyên môn của công việc và doanh nghiệp, biết mình đang ở đâuvà có sự chuẩn bị để phát triển các yêu cầu ấy
Kỹ năng phỏng vấn
Thường trước khi phỏng vấn, các ứng viên sẽ nhận được cuộc gọi thông báo và hẹn lịch gặp mặt. Vậy ứng xử như thế nào là đúng và tạo ấn tượng tốt?
Các bạn sinh viên ngay tại hội trường đã hào hứng trả lời câu hỏi ứng xử này ngay khi cô Nguyễn Thị Diệu Linh đặt ra tình huống. “Khi nhận được cuộc điện thoại hay thư điện tử xác nhận phỏng vấn này, các bạn nên biết rõ người đang nói chuyện với mình là ai, sau đó là những thông tin về buổi phỏng vấn như thời gian, địa điểm” cô Linh chia sẻ.
Về kỹ năng phỏng vấn, anh Phan Chí Khang có bổ sung để tăng ấn tượng của ứng viên đối với nhà tuyển dụng đó là một tinh thần tích cực và tràn đầy năng lượng.
Quá trình thử việc đến khi được nhận chính thức và cơ hội thăng tiến trong công việc
Khi vượt qua được vòng phỏng vấn, vẫn còn một thử thách đối với các bạn sinh viên đó là quá trình thử việc. Quá trình này thường kéo dài trong 2 tháng, điều này giúp các doanh nghiệp có thể đào tạo kiến thức chuyên môn về công việc rõ hơn. Ở giai đoạn này các bạn nên thể hiện kiến thức, kỹ năng liên quan mà mình có, bên cạnh đó là kỹ năng tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Không thể thiếu đó là các bạn luôn luôn tích cực, học hỏi và ngày càng phát triển bàn thân,
Qua những kinh nghiệm mà các diễn giả đã thân mật chia sẻ, các bạn sinh viên cũng rất tích cực, mạnh dạn hỏi những vấn đề mà bản thân thắc mắc:“ Sinh viên năm ba, năm tư có nên bỏ qua bước thực tập, kiến tập mà trở thành nhân viên chính thức của doanh nghiệp hay không? Và bạn băn khoăn rằng bỏ qua bước thực tập, kiến tập này sẽ có những khó khăn hay lợi ích gì?” Câu hỏi từ Bạn Uyển Nhi – khoa Quản trị kinh doanh…
Đáp lại sự nhiệt huyết của hơn 200 bạn sinh viên tại chương trình, BTC cũng đã tặng những phần quà khích lệ. Mong rằng buổi hội thảo sẽ giúp các bạn sinh viên biết thêm một số thông tin, kỹ năng ứng tuyển cần thiết cho hành trang tìm việc của mình.
Thảo Anh.