Hoạt động khoa học
Hội thảo: Cơ hội và Thách thức trong thời kỳ Covid-19: Góc nhìn từ giảng dạy và thực tiễn
Tác động kinh tế xã hội của Covid-19; Covid-19 và các hoạt động đổi mới trong trường đại học; Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; Tác động của Covid-19 đến hành vi người học, đó là các chủ đề tại Hội thảo “Cơ hội và thách thức trong thời kỳ Covid-19: Góc nhìn từ giảng dạy và thực tiễn” do Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 14/5/2021, tại cơ sở 35-37 Hồ Hảo Hớn, Quận 1.
Đến tham dự Chương trình có sự hiện diện của GS.TS. Nguyễn Minh Hà – Hiệu trưởng nhà trường; Đại diện các phòng, ban, đơn vị thuộc trường cùng các nhà nghiên cứu, các giảng viên trong và ngoài trường là tác giả của 40 bài tham luận; bên cạnh đó đông đảo các thầy, cô, viên chức Trường cùng tham dự qua hình thức livestream.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Nguyễn Minh Hà – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Mục tiêu của Hội thảo khoa học cấp Trường lần này nhằm đánh giá lại các tác động của dịch Covid-19 đối với việc học tập của sinh viên; Tổng kết cũng như định hướng kinh nghiệm, đề ra các giải pháp cho thời gian tới”.
Phiên khai mạc được diễn ra từ 8g30 với các chủ đề thảo luận được diễn ra song song tại 4 phòng khác nhau:
- Phòng 1: Tác động kinh tế xã hội của Covid -19 do TS. Nguyễn Lê Hoàng Thụy Tố Quyên chủ trì.
- Phòng 2: Covid – 19 và các hoạt động đổi mới trong trường đại học do PGS.TS. Trịnh Thùy Anh chủ trì.
- Phòng 3: Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy do TS. Nguyễn Thế Khải chủ trì.
- Phòng 4: Tác động của Covid-19 đến hành vi người học do TS. Nguyễn Hoàng Sinh chủ trì
Nổi bật tại Hội thảo là nội dung những ảnh hưởng và tác động của đại dịch Covid-19 đến đời sống xã hội con người, trong đó có ngành giáo dục; Covid – 19 và các hoạt động đổi mới trong trường đại học, cụ thể là những động thái tích cực của các cơ sở giáo dục trong việc triển khai việc dạy và học trong thời kỳ này. Theo UNESCO, Covid-19 đã gây ảnh hưởng đến hệ thống giáo dục của gần 190 quốc gia trên toàn thế giới. Riêng Việt Nam, trong hai đợt bùng phát vào tháng 3/2020 và tháng 2/2021, nhiều cơ sở giáo dục trong cả nước đã buộc phải đóng cửa chính thức. Từ sự bị động khi buộc phải đóng cửa trường học, nhiều cơ sở giáo dục đã nhanh chóng triển khai những mô hình học tập chủ động như tổ chức lớp học trực tuyến dựa trên nền tảng của hạ tầng công nghệ thông tin.
Đối với Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, trước khi dịch bệnh xuất hiện, trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đã có hình thức đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến. Còn các hệ đào tạo khác có đào tạo kết hợp (30% đào tạo trực tuyến với đào tạo trực tiếp). Xuất phát từ sứ mạng đóng góp tri và nâng cao trí thức cho cộng đồng bằng những phương thức linh hoạt và thuận tiện nhất, đồng thời với sự thấu hiểu nhu cầu của người học trong việc cân đối thời gian học tập và cuộc sống gia đình công việc, chương trình đào tạo trực tuyến của nhà trường với hệ thống học tập online – LMS 3.5. Một hệ thống hiện đại, cùng với chương trình đào tạo được thiết kế theo chuẩn chất lượng quốc tế của tổ chức Quality Matters – Hoa Kỳ đã và đang giúp người học theo đuổi khát vọng học của mình ở bất cứ khi nào bất kỳ nơi đâu. Ngoài việc học trên lớp thì sinh viên còn học thông qua hệ thống LMS tại nhà nhà trường áp dụng vào năm 2017 và đến nay 100% các môn học đều sử dụng LMS trong quá trình dạy và học của nhà trường. Với nền tảng và công nghệ đào tạo trực tuyến có từ trước của Trường từ năm 2019, Trường đã bắt đầu thí điểm đào tạo blended cho sinh viên đại học chính quy tập trung. Do đó, nhà trường đã ứng phó một cách thuận lợi trong đại dịch Covid-19, vẫn đảm bảo việc học và dạy không bị gián đoạn. Theo đó, Giảng viên có thể chuyển sang dạy và học trực tuyến qua LMS và các phần mềm video conference đối với các nhóm lớp có sự đồng thuận của người học.
Sau gần một ngày diễn ra, hội thảo đã góp phần nêu lên một bức tranh tổng thể về ảnh hưởng của Covid-19 đến mọi lĩnh vực của các ngành nghề, đặc biệt là với ngành giáo dục; nhìn nhận cũng như đánh giá sự nỗ lực trong giảng dạy và học tập của giảng viên và người học./.
Phương Thể