Tin Tức
Hội thảo “Chủ trương, chính sách của Việt Nam chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” năm 2018
Tính từ năm 2000 đến nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư – được gọi là cuộc cách mạng số đã và đang phát triển nhanh chóng trên toàn cầu. IoT, trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR),… cuộc cách mạng này đang thực hiện việc chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) đang dần lan tỏa đến Việt Nam và có những tác động tích cực đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội hiện nay.
Nhằm đánh giá tiềm năng của Việt Nam cũng như những cơ hội và thách thức mà đất nước phải đối mặt trong việc tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này, vào sáng ngày 26 tháng 5 vừa qua, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh (OU) phối hợp với Ban Kinh tế Trung Ương tổ chức Hội thảo “Chủ trương, chính sách của Việt Nam chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” năm 2018 tại cơ sở 97 Võ Văn Tần. Hội thảo có sự tham dự của PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chủ trì hội thảo là TS. Lê Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ CN, Ban KTTW; PGS.TS. Nguyễn Minh Hà – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh; ThS. Nguyễn Thành Nhân – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh; TS. Lê Thái Thường Quân – Trưởng Phòng Hợp tác và Quản lý khoa học, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh.
Hội thảo đã thảo luận và trao đổi với nội dung dựa trên câu hỏi chính “Việt Nam cần chuẩn bị những gì khi bước vào thời đại 4.0?” Qua bốn bài tham luận đến từ các khách mời, buổi hội thảo đã khám phá ra những góc nhìn vô cùng thiết thực và ý nghĩa về cách mạng 4.0 xoay quanh những vấn đề nóng hổi ở Việt Nam. Từ đó đề xuất ra các chủ trương, chính sách cho Việt Nam tạo ra sự phát triển tiến bộ cho nền công nghệ Việt Nam và làm chủ trong cuộc cách mạng. Trong bài phát biểu “Cách mạng công nghiệp 4.0 trong quản lý y tế”, TS. Nguyễn Văn Dư đã đề cập đến tình trạng vượt tuyến trong lĩnh vực y tế, người dân không có nhiều sự tin tưởng từ các cơ sở y tế địa phương, làm gia tăng chi phí khám chữa bệnh và tình trạng y tế cơ sở kém phát triển. Vì thế, ông cho rằng chúng ta cần ứng dụng kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo cùng những phát triển nghiên cứu khoa học trong công tác kết nối các tuyến y tế và giúp an sinh xã hội ngày một cải tiến hơn. Bên cạnh cơ hội, những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt chính là vấn đề của chính sách và Luật nhà nước về hành lang pháp lý khi không rõ quyền và trách nhiệm của đội ngũ cơ sở y tế, vì không làm việc trực tiếp với bệnh nhân. Sau các bài tham luận, các khách mời đã cùng trao đổi và nêu ra những ý kiến, đề xuất sáng tạo, thực tiễn để làm rõ hơn những tác động toàn diện của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh thấy được tầm quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chính về thế, song song với viêc học tập lý thuyết, các sinh viên sẽ luôn được tạo cơ hộ tiếp cận khoa học, công nghệ, đào tạo tốt những kỹ năng nghiên cứu và sáng tạo với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước.
Na Nguyễn