Bảo vệ môi trường
Hạt vi nhựa trong não người – Mối đe dọa cho sức khỏe và cách phòng tránh
Một nghiên cứu mới nhất được công bố trên Tạp chí Nature Medicine vào ngày 3/2 đã khiến giới khoa học và công chúng lo ngại hơn bao giờ hết: Hạt vi nhựa đã xâm nhập vào não người.

Phát hiện hạt vi nhựa trong não người – Nguồn ảnh: Nature Medicine
Vi nhựa xâm nhập vào não người như thế nào?
Hạt vi nhựa xuất hiện ở khắp mọi nơi – trong nước uống, thực phẩm, không khí, thậm chí cả máu, phổi và sữa mẹ. Các nghiên cứu được tạp chí y tế Nature Medicine công bố, hạt vi nhựa có thể đi vào cơ thể thông qua con đường ăn uống, hít thở và chăm sóc sắc đẹp. Khi xâm nhập vào cơ thể, vi nhựa không chỉ tích tụ ở hệ tiêu hóa hay phổi mà còn có thể xâm nhập vào mạch máu. Khi máu lưu thông khắp cơ thể, vi nhựa cũng theo dòng chảy và được đưa lên não – nơi có lượng máu nhiều hơn bất kỳ cơ quan nào khác. Vì vậy, vi nhựa tích tụ trong não nhiều hơn, thậm chí cao gấp 30 lần so với các cơ quan khác. Điều này khiến nhiều người lo ngại về ảnh hưởng của vi nhựa đến não bộ và sức khỏe con người.
Những con đường vi nhựa xâm nhập vào cơ thể
Thực phẩm: Thực phẩm chế biến sẵn và đóng gói thường xuyên bị ô nhiễm bởi vi nhựa. Những bao bì nhựa dùng một lần hoặc đồ dùng nhựa khác trong quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm có thể bị phân hủy thành các hạt vi nhựa, rò rỉ vào thực phẩm.
Nước uống: Nước uống chúng ta dùng hàng ngày, như nước đóng chai hoặc nước máy, cũng có thể chứa vi nhựa. Đặc biệt lượng vi nhựa sẽ xâm nhập vào cơ thể nhiều hơn khi chúng ta dùng bao bì nhựa một lần để đựng thức uống hoặc chọn những nước uống đóng chai không rõ nguồn gốc.
Không khí: Chúng ta cũng có thể hít phải vi nhựa trong không khí. Các hạt vi nhựa này có thể bay trong không khí từ các xe cộ, công trường xây dựng, hoặc do các đồ vật nhựa bị phân hủy.
Tiếp xúc qua da: Vi nhựa có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua da, đặc biệt khi tiếp xúc với các sản phẩm tiêu dùng chứa nhựa, như quần áo làm từ vải tổng hợp, mỹ phẩm chứa hạt vi nhựa, hoặc khi tiếp xúc với các sản phẩm nhựa trong sinh hoạt hàng ngày.

Vi nhựa xuất hiện trong nhiều vật dụng, nước uống, đồ ăn… thường ngày – Nguồn ảnh: báo Dân Trí
Những số liệu đáng lo ngại
- Não của chúng ta không chỉ là mô thần kinh mà còn chứa cả vi nhựa, chiếm khoảng 0,5% tổng khối lượng.
- Lượng vi nhựa trong các mẫu não tăng khoảng 50% từ năm 2016 đến năm 2024.
- Nồng độ hạt vi nhựa trong não cao hơn gấp 30 lần so với các cơ quan khác.
Nguồn số liệu: https://www.nature.com/articles/s41591-024-03453-1#Fig3
Những giải pháp thực tiễn làm cho chúng ta giảm thiểu tiếp xúc với vi nhựa
- Sử dụng túi vải thay thế túi nilon: Mang theo túi vải khi đi mua sắm thay vì sử dụng túi nhựa.
- Chọn sản phẩm đóng gói bền vững: Lựa chọn thực phẩm hoặc đồ dùng không có bao bì nhựa hoặc bao bì có thể tái chế (như giấy hoặc thủy tinh).
- Tránh sử dụng ống hút nhựa: Dùng ống hút giấy, kim loại, hoặc không sử dụng ống hút khi uống.
- Chọn mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân không chứa vi nhựa: Nhiều sản phẩm tẩy tế bào chết, kem chống nắng, và sữa tắm có chứa hạt vi nhựa. Hãy đọc kỹ nhãn sản phẩm và tìm lựa chọn không có vi nhựa.
- Lựa chọn quần áo không làm từ vải tổng hợp: Vải tổng hợp như polyester có thể giải phóng vi nhựa vào nước trong quá trình giặt. Hãy ưu tiên các sản phẩm vải tự nhiên như cotton, lanh, hoặc len.
- Tránh sử dụng chai nhựa: Dùng bình nước inox, thủy tinh, hoặc các vật liệu không chứa nhựa thay cho chai nhựa dùng một lần.
- Dùng khẩu trang chống bụi: Nếu phải tiếp xúc với không khí ô nhiễm, việc đeo khẩu trang có thể giúp hạn chế hít phải vi nhựa và các chất ô nhiễm khác.
- Dọn dẹp thường xuyên: Các hạt vi nhựa có thể phát tán trong không khí, do đó việc làm sạch và hút bụi thường xuyên giúp hạn chế vi nhựa trong không gian sống.
Sinh viên trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện lối sống xanh

Đội hình Ấn Xanh 2025 thực hiện dọn dẹp rác nhựa tại chợ Gò Nổi, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. – Nguồn ảnh: OU Green Plus

Sinh viên chia sẻ việc thực hiện lối sống xanh trên fanpage OU Green Plus – Nguồn ảnh: OU Green Plus
Phát hiện vi nhựa trong não người không chỉ là một hồi chuông cảnh báo mà còn là lời kêu gọi hành động. Mỗi người trong chúng ta có thể góp phần giảm thiểu vi nhựa bằng những thay đổi nhỏ trong thói quen hàng ngày: từ chối sử dụng đồ nhựa, ưu tiên sản phẩm thân thiện với môi trường, và lan tỏa lối sống xanh đến cộng đồng.
Hãy bắt đầu từ hôm nay – vì sức khỏe của chính chúng ta và vì một hành tinh trong lành hơn cho thế hệ tương lai!
Phương Nam