Bảo vệ môi trường
Giáo dục bảo vệ môi trường gắn với mục tiêu Phát triển bền vững tại Trường ĐH Mở TPHCM
Việc tuyên truyền cũng như giáo dục bảo vệ môi trường từ lâu đã không còn xa lạ trong nền giáo dục ở Việt Nam, và những năm gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 136/NQ-CP thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 phát triển bền vững (25/09/2020) với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia. Theo Nghị quyết, phát triển bền vững là sự kết hợp hài hoà và chặt chẽ giữa phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, bảo đảm xã hội công bằng và tôn trọng quyền của con người.
Về Phát triển bền vững
Phát triển bền vững là khái niệm nhằm chỉ sự phát triển về mọi mặt trong xã hội hiện tại, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại mà vẫn không làm tổn hại, vẫn đảm bảo sự tiếp tục phát triển, vẫn đáp ứng nhu cầu đó trong tương lai xa và hiện là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới và bảo vệ môi trường. Cụ thể là:
Thứ nhất: Phát triển bền vững đảm bảo tính bền vững về kinh tế. Sự phát triển bền vững giúp tăng trưởng nền kinh tế, phát triển nhanh nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn, tăng trưởng và phát triển kinh tế một cách lành mạnh, đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống, nâng cao đời sống nhân dân.
Thứ hai: Phát triển bền vững đảm bảo được tính bền vững về xã hội, thể hiện ở sự công bằng xã hội và phát triển của con người thông qua thước đo là chỉ số HDI. Theo đó, sức khỏe, dinh dưỡng, học vấn, xóa đói giảm nghèo được đảm bảo, công bằng xã hội và mọi thành viên trong xã hội đều được bình đẳng ngang nhau chính là sự thể hiện của tính bền vững. Từ đó, có thể làm giảm nguy cơ xung đột trong xã hội hay chiến tranh giữa các quốc gia.
Thứ ba: Phát triển bền vững đảm bảo được tính bền vững của môi trường. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện nay ngày càng bị suy giảm, cạn kiệt cả về số lượng và chất lượng. Chính vì thế, phát triển bền vững chính là nhằm mục đích sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không ngừng bảo vệ chất lượng cuộc sống ngày càng tích cực.
Tầm quan trọng của Giáo dục bảo vệ môi trường gắn với mục tiêu Phát triển bền vững
Mục đích việc giáo dục bảo vệ môi trường gắn với mục tiêu Phát triển bền vững nhằm hướng đến các sinh viên, giảng viên, và cán bộ – viên chức trường Đại học Mở TP.HCM trong việc nâng cao nhận thức, ý thức cũng như hành động về bảo vệ môi trường, như: Đảm bảo việc tiếp cận nguồn nước sạch trên toàn cầu và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người; Đảm bảo việc tiếp cận năng lượng với giá cả hợp lý, tin cậy, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người; Có biện pháp khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu và các tác động của chúng; Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển cho phát triển bền vững và Bảo vệ, tái tạo cũng như khuyến khích sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên cạn, quản lý tài nguyên rừng bền vững, chống sa mạc hóa, chống xói mòn đất và mất đa dạng sinh học.
Hiện nay, trường Đại học Mở TP.HCM đã và đang tuyên truyền góp phần nâng cao ý thức và hành động bảo vệ môi trường qua nhiều hình thức khác nhau và khuyến khích các bạn sinh viên cũng như giảng viên, cán bộ, viên chức nhà trường cùng hưởng ứng lối sống xanh. Song song đó, CLB OU Green Plus trực thuộc trường Đại học Mở TP.HCM đang bắt đầu chuỗi hoạt động “Sustainable Development Goals – Mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam” bằng những hình ảnh và các bài viết truyền thông thú vị, mang tính giáo dục cao./.