Tin Tức
Chuyên đề 1 “Tư duy tích cực – Liều “vắc xin” tinh thần trong mùa dịch”
Những ngày này, Thành phố Hồ Chí Minh đang phải căng mình ứng phó với những diễn biến phức tạp mỗi ngày của dịch bệnh Covid-19; dường như cuộc sống của tất cả chúng ta đã bị ảnh hưởng, đảo lộn rất nhiều. Những khoảnh khắc thường nhật như được đến trường, tán gẫu với bạn bè hay nhiều sự kiện trọng đại của lứa tuổi thanh xuân phải bỏ lỡ. Thậm chí sẽ có những đối điện bất ngờ khi chẳng may trở thành người nhiễm bệnh. Hiểu được những nỗi lo lắng khi phải ứng phó với những sự thay đổi đột ngột này, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Chuỗi Chuyên đề tâm lý “Chăm sóc sức khoẻ tinh thần mùa dịch Covid”. Chuỗi chuyên đề với mong muốn hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho viên chức, sinh viên trong những ngày giãn cách xã hội trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.
Chuyên đề số 1 mang tên “Tư duy tích cực – Liều vacxin tinh thần trong mùa dịch” được tổ chức vào ngày 26/8/2021 vừa qua, theo hình thức trực tuyến qua zoom và livestream trên Fanpage Phòng Công tác sinh viên – Trường ĐH Mở TPHCM và Fanpage Áo xanh OU. Chương trình đã đón nhận sự quan tâm của đông đảo sinh viên với gần 8 ngàn lượt tiếp cận. ThS. Trần Thị Thanh Trà và ThS. Phan Thị Mai Quyên, Giảng viên khoa XHH-CTXH-ĐNÁ là hai diễn giả dẫn dắt và tư vấn cho các sinh viên suốt chương trình. Quý vị có thể xem lại tại: FB Công Tác Sinh Viên – Trường ĐH Mở Tp. HCM
TS. Lê Nguyễn Quốc Khang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM tham dự và phát biểu khai mạc Chương trình. Thầy chia sẻ: “Trong suốt thời gian vừa qua, Trường ĐH Mở TPHCM đã tổ chức, xây dựng rất nhiều phương án nhằm chăm sóc, hỗ trợ cán bộ, viên chức và sinh viên gặp khó khăn. Đặc biệt trong bối cảnh thành phố Hồ Chí Minh đang siết chặt giãn cách hiện nay, việc duy trì sức khỏe tinh thần của mỗi người là vô cùng cần thiết để vượt qua cơn bão đại dịch này”.
Chia sẻ cùng các bạn sinh viên trong vấn đề thích nghi với những rối loạn tâm lý do áp lực, khủng hoảng mà đại dịch Covid-19 gây ra trong giai đoạn hiện nay, ThS. Phan Thị Mai Quyên đã tư vấn và hướng dẫn cụ thể đến các bạn sinh viên cách kiểm soát tâm trạng để không ảnh hưởng đến thể chất cũng như tinh thần của bản thân. Cô chia sẻ: “Khi chúng ta không thể thay đổi hoàn cảnh, hãy thay đổi thái độ tiếp nhận của chúng ta đối với hoàn cảnh đó. Bên cạnh việc chủ động trang bị cho bản thân những kĩ năng cần thiết, trung tâm tư vấn tâm lý của Trường luôn sẵn sàng giúp đỡ các bạn bất cứ khi nào, theo địa chỉ https://www.facebook.com/vanphongthamvanOUHCM.
Tham gia chia sẻ cùng chương trình, các bạn sinh viên đã có dịp trải lòng, tâm sự và lắng nghe những lời khuyên, động viên bổ ích đến từ diễn giả của chương trình. ThS. Trần Thị Thanh Trà cho biết: Hãy hành động ngay lập tức. Hãy chủ động chăm sóc bản thân, tích cực nạp những nguồn “vitamin tích cực” mỗi ngày, kết nối yêu thương và biết ơn nhiều hơn đối với mọi người xung quanh, lan tỏa những điều tích cực mỗi ngày và hãy luôn chuẩn bị cho bản thân những giải pháp trước những bất ngờ có thể diễn ra trong cuộc sống.
Điểm ấm áp nhất trong suốt 3 giờ thời lượng của Chương trình, đó chính là những lời trải lòng và gửi gắm của các em sinh viên đã khoẻ sau thời gian điều trị Covid-19 đến các bạn sinh viên đang theo dõi chương trình là: hãy rèn luyện sức khoẻ, sống lành mạnh cũng như nghiêm túc tuân thủ các quy định; 5K tuyệt đối để mình không bị lỡ là F0; và khi không may là F0 thì hãy bình tĩnh, lạc quan để chiến đấu và chiến thắng virus.
Cuối chương trình, những bí quyết để điều chỉnh tâm trạng tích cực được 2 diễn giả đúc kết dựa trên rất nhiều những phương pháp đã và đang được một số trung tâm/ nhóm tham vấn tâm lý, dự án cộng đồng đề cập tới trong giai đoạn hiện nay như dự án Psycare của trường Đại học Sư Phạm Tp.HCM, dự án tình nguyện viên F0 hỗ trợ F0, dự án Hỗ trợ Sức khoẻ – Tâm lý – Pháp lý của trung tâm hỗ trợ TNCN Tp.HCM, …:
- Nạp “vitamin” tích cực mỗi ngày: Thành thực với cảm xúc của bản thân để lắng nghe nội tâm của chính mình, hiểu rõ hơn về bản thân và đồng hành với bản thân; Rèn luyện thể chất vừa sức, phù hợp với cơ thể cũng như có chế độ dinh dưỡng điều độ trong ăn uống và sinh hoạt hàng ngày; Làm điều mình thích; Mỉm cười; Thực hành lòng biết ơn.
- Kết nối yêu thương: Dành thời gian giao tiếp với bạn bè, thầy cô; Yêu thương và chăm sóc gia đình; Lập kế hoạch giao tiếp thường xuyên và tích cực.
- Lan toả những điều tích cực: Đọc sáng suốt, nghe chọn lọc; Hỗ trợ các bạn trong học tập; Giúp đỡ người khác trong khả năng, tham gia hoạt động tình nguyện viên khi phù hợp.
- Và luôn chuẩn bị cho bản thân sức khoẻ thể chất, tinh thần; trau dồi học tập.
Trước sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ hiện nay, cũng như những năng lượng tích cực đang được nhân rộng từng ngày trong cuộc sống, là nguồn động lực để chúng ta tin tưởng và hy vọng vào một tương lai rất gần dịch bệnh Covid-19 sẽ sớm được kiểm soát, để cuộc sống chúng ta sớm trở lại bình thường./.
Thảo Vy