Hoạt động Sinh viên
Báo cáo chuyên đề: Tự gây thương tích và con đường chuyển hóa
Theo kết quả nghiên cứu Sức khỏe Tâm thần Vị thành niên Việt Nam mới nhất của UNICEF, nhiều trẻ em, vị thành niên và thanh niên đang phải vật lộn với những khó khăn về sức khỏe tâm thần. Trong đó, 1/5 trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần, và chỉ 8,4% các em được tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn cho những vấn đề về cảm xúc và hành vi.
Có thể thấy, sức khỏe tinh thần của thanh niên Việt Nam đang ngày càng báo động bởi những vấn đề tiêu cực, áp lực học tập và các yếu tố xã hội khác. Nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tâm thần dành cho sinh viên, sáng ngày 06/04/2024, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Báo cáo chuyên đề: “Tự gây thương tích và con đường chuyển hóa” tại Hội trường 602, cơ sở Võ Văn Tần, Quận 3 nhằm cung cấp kiến thức, kết nối và chia sẻ, giúp sinh viên hướng tới một cuộc sống lành mạnh và tích cực hơn.

Toàn cảnh chương trình
Chuyên đề được tổ chức như một buổi chia sẻ thân mật giữa báo cáo viên và sinh viên, qua đó tạo nên không gian gần gũi, giúp sinh viên có thể cởi mở hơn, bày tỏ những quan điểm, những khó khăn tâm lý mà mình đang gặp phải.
Tại chương trình, NCS. Phan Thị Mai Quyên – Giảng viên Khoa XHH-CTXH-ĐNA cho biết “Tự gây thương tích là một phản ứng đối phó của bản thân để tạm thời giảm bớt những cảm xúc tiêu cực mãnh liệt hoặc căng thẳng quá mức. Khi bản thân không thể chuyển hóa cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống thường sẽ có xu hướng biến nỗi đau tinh thần thành nỗi đau thể xác, dẫn đến lựa chọn tự làm tổn thương bản thân.”

NCS. Phan Thị Mai Quyên – Giảng viên Khoa XHH-CTXH-ĐNA chia sẻ tại chương trình
Việc tự gây thương tích có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phổ biến là áp lực học đường. Để giải quyết vấn đề này, sự đồng cảm và lòng trắc ẩn là điều cần thiết. Một phương pháp để thoát khỏi trạng thái tự làm hại bản thân là tham gia các hoạt động thể dục thể thao, trò chuyện với người khác, hoặc tích cực tham gia các hoạt động xã hội.
Bên cạnh đó, NCS. Phan Thị Mai Quyên nhấn mạnh: “Quan trọng nhất là việc nhận ra vấn đề và tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác. Đôi khi, người tự gây thương tích có thể không nhận ra vấn đề của mình và cần sự hỗ trợ từ những người xung quanh. Việc nói chuyện với một người tin cậy có thể là bước đầu tiên để thoát khỏi vòng luẩn quẩn của tự gây thương tích.”

Sinh viên tham gia thảo luận tại chương trình
Chương trình diễn ra sôi nổi với những chia sẻ đến từ phía diễn giả và các cuộc thảo luận xoay quanh các câu hỏi như: làm sao có thể tự nhận thức được mình đang trong trạng thái muốn tự làm hại bản thân, làm thế nào để có thể hỗ trợ người khác,…
Thông qua chương trình, hy vọng rằng các sinh viên sẽ hiểu hơn tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tâm thần, từ đó hướng đến một cuộc sống lành mạnh và tích cực hơn.

Sinh viên chụp ảnh lưu niệm tại chương trình
Bài viết: Thu Hà
Hình ảnh: Ngọc Tú